Lựa chọn của lịch sử
Cả nước có 5 nghĩa trang Quốc gia thì 2 ở Quảng Trị là Nghĩa trang Đường 9 và Trường Sơn, 3 địa danh tâm linh kia là Điện Biên phủ - Côn Đảo - Vị Xuyên. Thời kháng chiến 9 năm, Quảng Trị oằn mình giữa ”Bình - Trị - Thiên khói lửa”. Đến Cuộc dụng đầu lịch sử 21 năm, lưỡi gươm chém đôi đất nước lại khứa ngang Quảng Trị. Và, nếu Quảng Trị được chọn là trọng điểm của đất nước “Máu và hoa” (1) thì Đường 9 - Khe Sanh lại là sự lựa chọn của Quảng Trị để càng lẫy lừng… Quảng Trị.
Trao bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Khe Sanh cho sản phẩm cà phê Arabica của huyện Hướng Hóa |
Khe Sanh- gạch nối từ Điện Biên Phủ
Ví Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh như Chiến cuộc Điện Biên Phủ thời chống Mỹ không hề khiên cưỡng. Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì Khe Sanh tạo bước ngoặt cho cuộc đụng đầu lịch sử để toàn thắng về ta. Nghe câu nói đầy chua chát của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James R. Schlesinger: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ (Khe Sanh) nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy”, khác gì sự cay đắng của Trùm thực dân gây chiến tranh Đông Dương, khi Điện biên thất thủ. Ngày nay, cũng như ở Điện Biên, nhiều chiến lược gia quân sự, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Khe Sanh quay lại chiến trường xưa để giải mã sự thần kỳ của chí quật cường Việt Nam.
Đến đây còn thấy được sự tiếp nối Điện Biên qua các gương mặt Anh hùng Khe Sanh. Một trong số đó là Anh hùng Lê Mã Lương. Cha của anh hy sinh tại mặt trận Điên Biên. 17 tuổi, anh gác ước mơ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, lên đường ra mặt trận với chân lý sáng ngời của thế hệ trẻ ”Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”. Anh lập công trong nhiều trận, trong đó có trận rừng Pakchang, Tây Khe Sanh. Sau ngày toàn thắng, anh lại vào giảng đường, lấy bằng tiến sỹ; và là Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam.
Trong cái gạch nối Điện Biên – Khe Sanh có một câu chuyện đậm nghĩa tình tiền tuyến – hậu phương. Bà Phương Chi- một trong những giọng đọc huyền thoại của “Tiếng nói Việt Nam”, trước khi Bà được giao đọc bản tin về Chiến thắng Khe Sanh, thì được tin chồng bà chỉ huy trận Làng Vây, đó là Thiếu tướng Dũng Chi từng lập công ở Điện Biên.
Sâu chuỗi các sự kiện thì cách so sánh logic là Khe Sanh kế thừa truyền thống Điện Biên, để đi tới cuộc quyết chiến chiến lược cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh, giành toàn vẹn non sông.
Ai hay đất lửa máu nồng đơm hoa (2)
Sự hủy diệt mà kẻ thù gieo rắc trên toàn cõi Việt Nam, có lẽ ở Quảng Trị là tàn khốc nhất. Nhưng với sự trỗi dậy thần kỳ, Quảng Trị chẳng những không bị quay lại thời kỳ đồ đá, ngược lại đang bừng sáng cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển mà Khe Sanh là một minh chứng hùng hồn.
Chiến thắng Khe Sanh đã đi vào lịch sử, nên trên mảnh đất này đã đâm chồi nảy lộc mà Tố Hữu đã mường tượng khi vừa tạnh mưa bon, bão đạn “Trưa nồng, gà gáy Khe Sanh/ Tà Cơn dứa mật, hoa chanh ngát đồi”(3)
Các công cụ gây tội ác bị đập tan vẫn được bảo tàng trên các điểm cao như để tôn vinh “Bộ đội giải phóng ơi, các Anh đánh hay hung” (4) . Còn lại cả mênh mông đất trời đã trùm lên mầu xanh sự sống. Đất Hướng Hóa với độ cao 450- 550, khí hậu ôn hòa, hợp với cà phê chè tiếng Tây là Arabica. Cà phê Hướng Hóa chiếm 1/7 diện tích cà phê cà nước, 22% diện tích cây công nghiệp dài ngày của Quảng Trị. Quy trình trồng tỉa bài bản, giống năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt, và tái canh đúng hạn, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nên cà phê Hướng Hóa sớm nức tiếng, cái tên Khe Sanh được lấy để bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Thủy điện Rào Quán sau 6 năm vật lộn với mưa rừng gió núi, từ tháng 7/2009 hòa vào lưới điện quốc gia, bừng sáng các nếp nhà sàn chênh vênh trên núi cao. Sông Rào Quán bắt nguồn từ Khe Bung, xã Hướng Sơn, trên độ cao 1.617 mét, chảy qua Hướng Hóa, sang Đa Krông hợp lưu với sông Đa Krông thành sông Ba Lòng - tên của sông Thạch Hãn đoạn chảy qua huyện này. Tình cờ tên các con sông Đa Krông - Ba Lòng - Thạch Hãn lại thành những ca từ âm vực sâu lắng trong bản hùng ca Quảng Trị.
Kiểm tra giống cà phê trước khi tái canh |
Đường tới Hướng Hóa, Khe Sanh phải qua huyện Đa Krông, thành lập năm 1996, có Cửa khẩu quốc gia La Lay thông với nước bạn Lào. Đa Krông có hàng chục di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên tầm cỡ hấp dẫn du khách thập phương; dồi dào về kho tàng văn hóa phi vật thể của các dân tộc Vân Kiều, Pa cô mà “Tiếng đàn Ta Lư” mãi rạo rực lòng người. Cầu Đa Krông thời chiến là điểm khởi đầu đường mòn Trường Sơn - “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (5) nay là Đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa, là giao điểm với Đại lộ Xuyên Á Đông – Tây thời hội nhập, hút các dòng giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch Đông sang Tây, vào Nam, ra Bắc. Khu vực cầu Đa Krông hoang vắng ngày nào nay là thị trấn Krông Klang và là huyện lỵ Đa Krông. Huyện trẻ, Thị trấn huyện lỵ càng trẻ, 2004 mới khai sinh, từ hai xã Mò Ô và Hướng Hiệp hợp thành với 1,8 ngìn ha và 2,6 ngìn nhân khẩu. Phố thị san sát nhà mới xây, vẫn giữ cốt cách nhà sàn, độ kiên cố chả thua miền xuôi, song thênh thang thì ăn đứt, lồng lộng bốn phương gió rừng.
Cung đoạn tới Khe Sanh vẫn vòng vèo, chỗ hiểm trở nhất bên trên là hai vách đá dựng đứng dăng thành lũy, bên dưới thăm thẳm vực sâu tạo hình hài cái khe. Chỗ ấy nay đã có cầu kiên cố bắc ngang. Khe Sanh là thị trấn huyện lỵ Hướng Hóa. Ít huyện nào trong cả nước có tới 2 thị trấn bởi còn cái nữa là Lao Bảo. Qua Thị trấn huyện lỵ xe bon bon một loáng là tới thị trấn Lao Bảo trùng danh với Đặc khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo, với lõi là Cửa khẩu Quốc tế cùng tên là Lao Bảo, đối diện phía bạn Lào là Đen-sa-vẳn. Đất rừng núi nên khuôn viên các công sở, các Trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội… rộng thênh thênh. Cửa hàng, nhà dân cũng đàng hoàng. Tưởng chỉ huyện lỵ mới thế, nào ngờ Lao Bảo chẳng kém cạnh. Sự khang trang của Lao Bảo có hơi hướng của Đặc khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo. Nhận ra ngay Trung tâm thương mại Lao Bảo với hài hòa đường nét kiến trúc Việt – Lào. Đến Lao Bảo, gợi nhớ mảnh đất này từng là địa ngục trần gian đầy ải các chiến sỹ cách mạng - “Tiếng xiềng Lao Bảo gọi người bạn xưa” (6).
Tinh thần chiến đấu ngoan cường của các Anh đã tiếp lửa cho hôm nay cho mãi mai sau. Bồi hồi tạm biệt Đường 9 - Khe Sanh, xin có đôi dòng thay nén tâm nhang kính vọng các Anh – những tượng đài trên Đường Trường chinh tới đích hòa bình - hạnh phúc - ấm no. |
(1) Tên một bài thơ của Tố Hữu
( 2, 3, 6) thơ “Nước non ngàn dặm” - Tố Hữu
(4) Thơ Phạm Tiến Duật
(5 ) Bài hát “Tiếng đàn Ta Lư”.