Thứ ba 26/11/2024 15:07

Được gặp Bác là niềm tự hào theo suốt cuộc đời

Thẳm sâu trong miền ký ức của ông Kim Nam - nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc vẫn lưu giữ hình ảnh về Bác Hồ.

Dù là cậu bé mới 8 - 10 tuổi khi xưa hay là người đàn ông đã ở tuổi thất thập hiện nay, thẳm sâu trong miền ký ức của ông Kim Nam - nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc (con trai thứ của Cố Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc - Kim Ngọc) vẫn lưu giữ hình ảnh về Bác Hồ. Tình cảm, ký ức, niềm vui và vinh dự khi được gặp, chụp ảnh cùng Bác được ông trân trọng lưu giữ và mang theo suốt cuộc đời.

Bức ảnh chụp ngày 25/1/1961 khi Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc - cậu bé Kim Nam ngày ấy được ngồi trong lòng Bác. Ảnh tư liệu

Từ cậu bé 2 lần được gặp Bác Hồ…

Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ yên tĩnh nằm ẩn mình dưới tán mít già có tuổi đời ngót nửa thế kỷ, nắng nhuộm vàng vòm lá, tiếng ông Kim Nam chậm rãi: Tôi có vinh dự hai lần được gặp và chụp ảnh với Bác Hồ khi Bác về thăm Vĩnh Phúc. Lần thứ nhất vào ngày 25/1/1961 và lần thứ hai vào ngày 2/3/1963.

"Tôi nhớ, trưa lạnh mùa đông năm 1961, sau thời gian thăm Hợp tác xã Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Bác về Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ở đây, Bác đi quanh một vòng khu tập thể Tỉnh ủy, ghé thăm gia đình tôi và gia đình ông Hồ Ngọc Thu (Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh). Cha tôi - cụ Kim Ngọc lúc đó đang ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy"- ông Kim Nam nói.

Khi ấy, tôi đang học lớp 3, Trường tiểu học Ngô Quyền, được thầy giáo cho về khi hay tin Bác Hồ về Vĩnh Phúc. Nói đến đây, ông dừng lại mỉm cười - nụ cười thấp thoảng vẻ "lém lỉnh". "Lúc ấy, tôi chạy nhanh lắm, như hay tin mẹ đi chợ về có quà. Khi vào nhà, tay tôi còn cầm tấm mía, nhìn thấy Bác mặc chiếc áo bông giản dị, khuôn mặt hiền từ, tôi chạy theo và bị những người cảnh vệ bên cạnh ngăn lại nhưng Bác vẫy tôi, thế là tôi được Người "đặc cách" cho tới gần"- ông bồi hồi và tâm sự, dù là cậu bé 8 tuổi, 10 tuổi hay cho đến giờ là người đàn ông ở tuổi thất thập, kinh qua nhiều biến cố trong cuộc đời thì tôi vẫn nhớ như in ngày đó, hình ảnh đó. Bác hiền từ, giản dị, ấm áp và đặc biệt gần gũi với không chỉ tôi mà với cả lũ trẻ - con của các cán bộ trong khu tập thể Tỉnh ủy ngày ấy.

Và khoảnh khắc Bác đặt tay lên xoa đầu - như lời ông Kim Nam - dù lúc đó mới là đứa trẻ 8 tuổi nghịch như quỷ sứ, ông vẫn cảm nhận được sự ân cần, chiều chuộng và rất nhiều yêu thương từ Bác… người chụp ảnh đã chớp được khoảnh khắc tuyệt vời đó. Tấm ảnh giờ là tài sản vô giá của chúng tôi. "Thời gian được gặp và được Bác dành cho những tình cảm yêu thương rất ngắn nhưng là niềm vinh dự, niềm vui theo tôi suốt cuộc đời"- Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ.

… Đến người chiến sĩ dũng cảm, nhân chứng khoảnh khắc huy hoàng của dân tộc

Cùng với câu chuyện 2 lần được gặp và chụp ảnh cùng Bác Hồ, chúng tôi cũng đồng thời được biết, thân sinh của ông Kim Nam là Bí thư Kim Ngọc "cha đẻ khoán hộ" - người có tư duy vượt thời đại, tư tưởng của ông, cách làm của ông đã đặt nền móng đầu tiên cho nền kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh, mạnh ngày hôm nay. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Kim Nam luôn nhắc tới Cố Bí thư Kim Ngọc với tình cảm yêu thương vô bờ bến và lòng cảm phục với một con người có tư duy và nhân cách lớn.

Ông Kim Nam trao đổi với phóng viên Báo Công Thương

Ông nói, tôi nhập ngũ năm 1971, thời điểm đó tôi hoàn toàn có thể chọn lựa một con đường khác nhàn hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, khi lựa chọn ra chiến trường, bố tôi dặn, con cũng như những người khác, ra chiến trường, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự cũng là một nhiệm vụ nặng nề. Đã chiến đấu là phải chiến đấu hết mình, cùng đồng đội bảo vệ nhân dân, giành lại độc lập cho đất nước. "Con là đứa con trai duy nhất ra chiến trường, trên đường đi chiến đấu, có rất nhiều cái không lường trước được, bố mẹ luôn nhớ và lo lắng cho con" - ông Kim Nam xúc động kể.

Lời dặn dò của cha và ký ức đẹp với Bác Hồ là hành trang theo ông Kim Nam trong suốt những năm chiến đấu đầy gian khổ tại chiến trường miền Đông Nam bộ. "Trong những lúc yếu lòng, tôi cũng phân vân nghi ngờ lựa chọn của mình. Nhưng những lời dặn dò của cha, chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng của đồng đội, ngay lập tức, tôi vượt qua giây phút đó, tiếp tục kề vai sát cánh cùng đồng đội đi qua "mưa bom bão đạn"- ông chia sẻ.

Trả lời câu hỏi, trong thời gian chiến đấu của mình, trận đánh nào khiến ông nhớ nhất, ấn tượng nhất? Giọng cựu lính đặc công đột nhiên chuyển hẳn sang một sắc thái khác, đủ mạnh mẽ, thừa quyết tâm và pha nhiều tiếc nuối. Ông nói, trận đánh cuối cùng của chúng tôi là trận đánh vào Trung tâm thông tin ra - đa Phú Lâm ở ngoại ô Sài Gòn. Sau nhiều lần trinh sát nắm tình hình, đêm 27/4/1975, lực lượng đặc công chúng tôi cùng lực lượng biệt động tìm cách vượt nhiều lớp hàng rào dây thép gai bao quanh trạm. Địch tổ chức canh gác cẩn mật, muốn vào được căn cứ phải băng qua một cánh đồng rộng, trống trải, đầy bom mìn. Rạng sáng 28/4/1975, lực lượng của ta tiến vào vị trí triển khai, tiến hành nổ súng. Sau nhiều lần thay đổi chiến thuật và rất nhiều hy sinh mất mát, sáng 30/4/1975, quân giải phóng chiếm toàn bộ Trung tâm thông tin ra - đa Phú Lâm.

"1 ngày sau khi chiến thắng, chúng tôi được lệnh vào để tìm lại thi thể của đồng đội đã hy sinh. Khi đó, ở mũi chủ công cuối cùng đánh thẳng vào Trung tâm thông tin ra - đa Phú Lâm có 6 đồng chí, thì hy sinh mất 5 đồng chí, thi thể không còn nguyên vẹn" - kể tới đây, giọng ông Kim Nam như lạc nhịp.

Cuộc đời ông Kim Nam xét ở góc độ nào đó khá đặc biệt, 2 lần được gặp và trò chuyện cùng Bác Hồ; được chứng kiến khoảnh khắc pháo sáng nở bừng trên bầu trời tím sẫm, khiến một góc Sài Gòn bừng sáng. "Chúng tôi coi màn pháo sáng mừng hòa bình tối 30/4/1975 là màn pháo hoa đẹp nhất trong đời"- ông Kim Nam vẫn trầm ngâm.

Đã 48 năm trôi qua, ký ức về cuộc chiến giành lại độc lập - một thời oanh liệt trong tâm trí ông Kim Nam chưa bao giờ phai mờ. Nó vẫn được ông nhắc lại qua những câu chuyện kể để thế hệ sau biết và cảm nhận một phần sự khốc liệt của chiến tranh và niềm tự hào dân tộc. Và hàng năm, ông vẫn cùng những người đồng đội quay về thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống trong những chiến hào ngập khói, tham gia giúp đỡ thân nhân các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn... trọn vẹn nghĩa cử tri ân, sắt son tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng của những người lính bộ đội cụ Hồ.

Ông Kim Nam sinh năm 1953, năm 1971 ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ; năm 1976 ra Bắc, tham gia công tác trong ngành công an; từ năm 2002 làm Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc; năm 2014 ông về nghỉ hưu theo chế độ.
Việt Nga - Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Bác Hồ

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 nhóm tăng cường hợp tác với Bulgaria

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng đoàn kết khu vực

Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm trường mầm non Việt-Bun

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 'nóng' về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Bulgaria Rumen Radev

Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria gặp gỡ báo chí

Tuyên bố chung Việt Nam-Bulgaria: Đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực

Nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in

Kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến: Thiết lập chế tài mạnh

Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Bulgaria

Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev gặp gỡ bạn bè Việt Nam từng học tập, làm việc tại Bulgaria