Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp: Còn bỏ trống các vấn đề pháp lý phát sinh
Sửa đổi luật để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Mục tiêu tổng quát của xây dựng Dự án Luật này là nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, DN, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh; bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư và các luật có liên quan.
Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp |
Hiện dự thảo Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng theo hướng thuận lợi nhất, minh bạch nhất. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN, hiệp hội, còn nhiều nội dung bất cập chưa đưa ra sửa, nhiều nội dung đã được sửa nhưng không triệt để. Ví dụ, thay vì bỏ con dấu bắt buộc, thì mới chỉ bỏ việc thông báo con dấu. Hay việc quy định tại Luật Đầu tư chưa làm rõ được mối quan hệ giữa Luật Đầu tư và các luật ban hành sau về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện dẫn đến tình trạng “gián tiếp vô hiệu hóa” Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nhưng dự thảo luật sửa đổi lại chưa có quy định nào để giải quyết tình trạng này. Để giải quyết vấn đề này, dự thảo cần bổ sung các quy định làm rõ các nội dung trên tại Điều 8 Luật Đầu tư.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo quy định điều 3 của Luật DN, áp dụng Luật DN và các luật chuyên ngành thì trong trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN thì áp dụng quy định của luật đó, trừ trình tự, thủ tục đăng ký DN...
Còn bỏ trống các vấn đề pháp lý phát sinh
Một trong những quy định được đánh giá có tính cải cách nhất của Luật DN 2014 là thủ tục đăng ký DN, trong đó Giấy chứng nhận đăng ký DN không còn ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, sự tiến bộ này của Luật DN đã không được hiện thực hóa trong các văn bản hướng dẫn cũng như trên thực tế. Cụ thể, khi nộp hồ sơ đăng ký DN, DN vẫn phải xác định mã ngành cấp 4 đối với ngành, nghề mà mình đăng ký kinh doanh. Đây là một trong những điểm vướng đã được xác định trong giai đoạn soạn thảo Luật DN năm 2014 nhưng lại chưa được giải quyết.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo tính cải cách, đột phá về thủ tục đăng ký kinh doanh, đề nghị bổ sung quy định rõ về thủ tục đăng ký DN ngay trong dự thảo luật lần này; cần quy định rõ khi đăng ký kinh doanh, DN phải xác định mã ngành đối với ngành, nghề mà mình đăng ký.
Dự thảo đã có sửa đổi khá quan trọng về việc áp dụng thủ tục đăng ký DN. Theo đó, tất cả các tổ chức kinh tế khi thành lập đều phải thực hiện việc đăng ký DN theo Luật DN. Đối với các lĩnh vực mà hiện việc thành lập và hoạt động hoàn toàn theo pháp luật chuyên ngành (trong đó có quy định giấy phép hoạt động đồng thời là giấy đăng ký DN), như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…, quy định mới này của dự thảo sẽ làm thay đổi trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của các DN trong các lĩnh vực này.