Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn: Góp phần hiện thực hóa năng lượng xanh
Đóng góp hơn 4 tỷ USD cho nền kinh tế
Tỉnh Bình Thuận là một trong những khu vực có nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Việt Nam, hiện đang thu hút nhiều dự án điện gió ngoài khơi với quy mô đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Trong đó, nổi bật là Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có tổng công suất 3,5GW với vốn đầu tư ước tính hơn 10 tỷ USD. Dự án đồng phát triển bởi nhà đầu tư Đan Mạch là Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) cùng hai đối tác trong nước là Asiapetro, Novasia và được quản lý bởi các chuyên gia về điện gió ngoài khơi Copenhagen Offshore Partners (COP). Các nhà đầu tư cũng đã cùng nhau thành lập Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan (Công ty La Gan) tại tỉnh Bình Thuận để tiếp tục phát triển các bước tiếp theo của dự án, cũng như thể hiện sự cam kết gắn bó lâu dài với tỉnh Bình Thuận và Việt Nam.
Một dự án điện gió ngoài khơi do CIP phát triển |
Đại diện Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho biết: “Dự án có mục tiêu đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng dài hạn của Việt Nam và hỗ trợ sự phát triển ngành công nghiệp xanh trong nước một cách bền vững. Ngoài ra, dự án sẽ đóng góp nhiều lợi ích kinh tế có ý nghĩa cho Việt Nam”.
Một nghiên cứu chi tiết về tác động kinh tế do các chuyên gia quốc tế BVG Associates (chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Thế giới) thực hiện cho thấy, những lợi ích tiềm năng của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn. Trong suốt thời gian hoạt động, dự án dự kiến tạo ra khoảng 250 tỷ kWh điện năng, cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình, giúp giảm thiểu khoảng 130 triệu tấn khí thải CO2. Đặc biệt, dự án dự kiến sẽ đóng góp khoảng 4,4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam và sẽ tạo ra hơn 45.880 công việc tương đương toàn thời gian (FTE), trong đó 1 FTE được định nghĩa là 1 công việc tương đương toàn thời gian trong 1 năm.
Các lợi ích kinh tế chủ yếu đến từ việc sử dụng chuỗi cung ứng trong nước để phát triển dự án điện gió, cung cấp móng trụ ngoài khơi, thiết kế - xây dựng các cơ sở hạ tầng truyền tải trên đất liền, dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo trì. Trong những lĩnh vực này, chuỗi cung ứng của Việt Nam được đánh giá là có chuyên môn cao, vì vậy các nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào dự án. Tổng tỷ lệ nội địa hóa dự kiến có thể chiếm khoảng 44,1% trong toàn bộ chuỗi cung ứng của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn.
Nhiều hoạt động xã hội thiết thực
Không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung cho nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là góp phần hiện thực hóa mục tiêu hướng đến ngành năng lượng xanh và bền vững, theo lãnh đạo công ty khẳng định, dự án sẽ luôn tích cực đóng góp cho xã hội, cộng đồng tại Việt Nam nói chung và địa phương tỉnh Bình Thuận nói riêng, nơi dự án được hình thành và phát triển.
Năm 2021, Công ty La Gan đã có nhiều hoạt động xã hội thiết thực |
Cụ thể, Công ty La Gan đã chung tay hỗ trợ đồng bào Việt Nam tại các khu vực chịu nhiều thiên tai như Quảng Ngãi, Quảng Nam bị ảnh hưởng do bão số 9/2020. Bên cạnh đó, cùng với Hiệp hội Điện mặt trời Bình Thuận và Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, dự án đã tài trợ cho chương trình “Caravan Bình Thuận 2020” với 3 sáng kiến quan trọng về cộng đồng và môi trường: Học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân theo chương trình “Một triệu lá cờ cho ngư dân”; tặng thùng rác môi trường cho ngư dân theo chương trình “Giảm rác thải nhựa biển”; trao tặng 25.000 USD cho Hội Khuyến học tỉnh Bình Thuận và huyện Tuy Phong để thúc đẩy giáo dục và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trong năm 2021, Công ty La Gan cũng đã đồng hành và tài trợ cho chi đoàn tỉnh Đoàn tỉnh Bình Thuận trong chương trình “Triệu túi An sinh” nhằm giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn tại tỉnh Bình Thuận chiến đấu với đại dịch Covid-19. Hỗ trợ đóng góp cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận theo lời kêu gọi tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần cùng tỉnh Bình Thuận có thêm nguồn lực tập trung đẩy mạnh và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra, Công ty La Gan cũng đã đóng góp kinh phí cho huyện Tuy Phong để hỗ trợ các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chuẩn đoán, xét nghiệm Covid-19 để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Gần đây nhất trong tháng 12/2021, công ty đã đóng góp 10.000 USD cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” hưởng ứng cuộc vận động do UBND tỉnh Bình Thuận để hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19. Với sự hỗ trợ này, Công ty La Gan cũng đã nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vì đóng góp của dự án trong chương trình này.
MỘT SỐ CỘT MỐC ĐÁNG NHỚ CỦA DỰ ÁN TRONG NĂM 2021: Ký kết hợp đồng khảo sát địa chất; khai trương văn phòng làm việc của dự án tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; là dự án tiềm năng trong danh sách đề xuất của dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia VIII; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà cung cấp của Việt Nam (Alpha ECC, CSwind, PTSC M&C, Vietsopetro) về móng trụ và cảng hậu cần. |