Động thái tiếp theo của Ukraine sau cuộc tấn công vào Kursk
Hiện chưa rõ Nga có thể tái triển khai lực lượng được trang bị tốt hơn ở Ukraine để ngăn chặn cuộc tấn công của Kiev vào lãnh thổ của mình hay không, trong khi về phía quân đội Ukraine, điều này sẽ làm giảm sức ép lên các lực lượng của họ, vốn bị áp đảo về số lượng và đang mất dần lãnh thổ ở miền Đông cũng như miền Nam.
Khi cuộc tấn công bước sang tuần thứ hai, lực lượng Ukraine đang tiến quân theo nhiều hướng từ thị trấn Sudzha (Kursk) của Nga.
Trong khi quân đội Ukraine giành được một số kết quả có lợi ban đầu tại Kursk, lợi thế của Nga trên các mặt trận khác có vẻ vẫn nguyên vẹn. Ảnh: RIA |
Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, ông Oleksandr Syrskyi cho biết, Kiev đã thành lập một văn phòng quân sự tại Kursk, đồng thời kiểm soát được 82 khu dân cư và khu vực rộng 1.150 km2. Thiếu tướng Eduard Moskalyov được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng chỉ huy quân sự tại khu vực Ukraine đang kiểm soát.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho thấy, diện tích lãnh thổ Nga mà Ukraine kiểm soát tại Kursk trong vòng 1 tuần đã gần bằng diện tích mà lực lượng Nga chiếm được ở Ukraine trong vòng 7 tháng.
3 lý do khiến ông Putin lo ngại
Theo ông Konrad Muzyka, nhà phân tích quân sự tại Rochan Consulting - một tổ chức theo dõi tình hình chiến sự, lực lượng Ukraine đã nắm “thế chủ động” sau nhiều tháng bị động. Với nhiệt huyết và quyết tâm dường như không có giới hạn, quân đội Kiev đã thể hiện khả năng triển khai vũ khí quân sự tinh vi nhất mà các đồng minh bên ngoài có thể cung cấp.
Mặc dù vậy, hầu hết các nhà quan sát không hề hay biết về quy mô của sự chuẩn bị và những bước thực hiện cần thiết để tiến hành cuộc xâm lược đầu tiên vào Nga kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Ukraine đã bí mật thông tin chặt chẽ và có thể đã gây bất ngờ cho đối phương, giống như cuộc tấn công của Tướng Syrsky đáp trả lực lượng Nga ở Kharkov gần 2 năm trước. Có 3 lý do để Tổng thống Putin phải lo ngại về cuộc tấn công của Ukraine.
Lý do thứ nhất, không giống như các cuộc tấn công biên giới khác của các nhóm ủng hộ Ukraine như Quân đoàn tự do Nga - dường như được thiết kế chỉ để thu hút sự chú ý, cuộc tấn công này thực sự gây ra tổn hại về mặt quân sự cho Moscow. Việc Ukraine chiếm khoảng 1.000 km2 đất Nga làm sứt mẻ hình ảnh này. Và nếu điều này lặp lại, hiếm nhà độc tài nào có thể tồn tại. Vì vậy, ông Putin không chỉ khăng khăng đòi quân đội Kiev phải rời khỏi mọi tấc đất của Nga mà còn yêu cầu điều này không bao giờ được phép xảy ra một lần nữa. Chính điều này mang lại cho Ukraine một lợi thế, dẫn đến lý do thứ hai mà ông Putin sẽ phải lo ngại.
Ukraine đã tiến vào biên giới bằng sự kết hợp khéo léo các chiến thuật quân sự. Kiev tập trung và chú trọng vào các thiết bị tác chiến điện tử hạn chế để vô hiệu hóa máy bay trinh sát không người lái của Nga và can thiệp vào các mạng lưới vô tuyến điện có vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự hỗn loạn trên chiến trường. Tiếp theo, Ukraine đưa xe tăng và các xe bọc thép qua biên giới với sự hỗ trợ của máy bay tấn công không người lái.
This browser does not support the video element.
Những chiến thuật như vậy và sự bất ngờ mà chúng mang lại, có thể không kéo dài trong nhiều tuần, nhưng đã chứng minh rằng các cuộc tấn công như vậy hoàn toàn có thể thực hiện được. Vì vậy, nếu có thể thực hiện ở phía Đông Bắc Sumy, tại sao không thể thực hiện ở nơi khác, vào thời điểm và địa điểm do Ukraine lựa chọn?
Lý do thứ ba khiến ông Putin phải lo ngại là Ukraine đã thể hiện khả năng thực hiện tấn công vũ trang hỗn hợp, theo đó tất cả các thành phần của hệ thống quân sự - xe tăng, bộ binh, công binh... có thể hoạt động ăn ý và không rơi vào tình trạng hỗn loạn. Điều này mang lại sự tự tin không chỉ cho lực lượng của Kiev và những người dân ở quê nhà, mà còn cho những người ủng hộ ở phương Tây khi chứng kiến quân đội Nga có thể bị lép vế trên chiến trường.
Ukraine tin rằng họ đã chứng minh tiền tuyến của cuộc xung đột không hề bị đóng băng, thay vào đó vẫn tiến triển, vì vậy có khả năng làm thay đổi tính toán của Nga và phương Tây trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.
Câu hỏi đặt ra là liệu Ukraine có thể biến những thành quả hiện tại thành lợi thế chiến lược lâu dài hay không? Các chuyên gia quân sự Anh cảnh báo Ukraine có thể chịu tổn thất lớn khi Nga phản công. Cho đến nay, Nga vẫn chưa tập hợp lực lượng và cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy Nga kháng cự trên chiến trường.
Ukraine sẽ làm gì tiếp theo?
Cuộc tấn công Kursk diễn ra quá nhanh đến nỗi Ukraine có thể đang xem xét lại các mục tiêu. Mục tiêu ban đầu là nâng cao tinh thần của người dân và tạo niềm tin mới cho những người ủng hộ ở phương Tây rằng Ukraine xứng đáng nhận được hỗ trợ quân sự nhiều hơn. Ukraine cũng muốn Điện Kremlin rút quân khỏi tiền tuyến, đặc biệt là ở Donetsk, nơi Nga đang tiến quân dọc theo trục giữa các thị trấn Toretsk, Pokrovsk và Chasiv Yar.
Theo tướng Mick Ryan, chiến lược gia Australia đã nghỉ hưu, giả sử Nga bắt đầu triển khai lực lượng có năng lực hơn đến Kursk, Ukraine sẽ có 3 lựa chọn.
Thứ nhất, cố gắng giữ vững lãnh thổ đã kiểm soát được - hoặc thậm chí tiến xa hơn - để thu hút thêm quân Nga rời khỏi Ukraine và tạo một con bài mặc cả trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Ryan chỉ ra rằng lựa chọn này tiềm ẩn rủi ro. Sẽ rất khó để Ukraine duy trì phạm vi tác chiến điện tử và phòng không trên một phạm vi rộng như vậy. Ukraine hiểu rõ khả năng sát thương của bom lượn của Nga đối với các vị trí cố định. Theo đó, tổn thất ở Kursk có thể làm suy giảm thành quả tích cực của họ.
Thứ hai, rút lui về biên giới trong trật tự, bảo toàn lực lượng và trang thiết bị cho các nỗ lực giành lại lãnh thổ Ukraine vào năm sau. Ukraine chứng minh rằng họ có thể đưa chiến tranh tới Nga và làm suy giảm niềm tin về một chiến thắng tất yếu của Nga - điều thu hút các đồng minh hoài nghi về khả năng của Ukraine.
Thứ ba, rút lui một phần đến một vị trí phòng thủ gần biên giới Ukraine hơn, nơi sẽ cần ít quân hơn và được pháo binh và hậu cần hỗ trợ tốt hơn, đồng thời tạo căn cứ cho các cuộc tấn công tiếp theo khi có cơ hội. Một nguồn tin trong Bộ tổng tham mưu của Ukraine cho hay, đây là lựa chọn khả thi nhất, vì một số nguồn lực hậu cần - công binh, xăng dầu, bệnh viện dã chiến, tiếp phẩm và doanh trại - đã được chuyển về gần khu vực biên giới.
Bất chấp các thông tin ban đầu cho rằng Ukraine có thể tìm cách chiếm nhà máy điện hạt nhân Kursk hoặc các địa điểm nhạy cảm khác, phản ứng từ các đồng minh khá tích cực.
Chính quyền Tổng thống Biden, vốn phản đối các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga và hạn chế sử dụng tên lửa của Mỹ trên đất Nga, cho biết hoạt động sử dụng vũ khí này của Mỹ được chấp nhận, bao gồm cả xe bọc thép Stryker.
Trong khi Đức, quốc gia thường lo ngại bất kỳ điều gì có thể thúc đẩy Nga leo thang, đã chỉ ra quyền tự vệ của Ukraine. Có rất ít dấu hiệu cho thấy các đồng minh đưa ra lời khiển trách riêng tư hoặc công khai đối với Tổng thống Zelensky.