Đổi thay Ialy và những kỳ vọng
Quá khứ và tương lai
Nhìn lại quá trình phát triển của thị trấn, không thể không nhắc đến đóng góp của công trình thuỷ điện Ialy. Khi đi vào hoạt động, đã giúp cho địa phương có được một cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh từ đường, điện, trường, trạm và cả những dịch vụ đi kèm tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, công trình thuỷ điện - bản thân nó đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với môi trường trong lành, phong cảnh hữu tình, có núi cao, sông rộng, có những đặc sản mà nhiều nơi khác ở Tây Nguyên không có.
Cùng với đó là sự hội tụ, đa dạng trong truyền thống văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc người Jrai với những đồng bào khác ở nhiều tỉnh khác đã chọn thị trấn Ialy làm nơi định cư.
Thị trấn Ialy, nơi có nhà máy thủy điện Ialy đứng chân |
Sự kết hợp giữa nền văn hóa bản địa, truyền thống và hiện đại cùng những yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã tác động đến những người làm qui hoạch, đưa thị trấn Ialy phát triển ở một mức độ cao hơn.
Ngày 9 tháng 7 năm 2018 UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh qui hoạch chung xây dựng thị trấn Ialy giai đoạn 2030, theo đó sẽ là trung tâm phát triển khu dân cư đô thị, trung tâm kinh tế, văn hóa-xã hội, thương mại-dịch vụ phía tây huyện Chư Păh kết hợp với phát triển du lịch theo định hướng cấp vùng Tây Nguyên. Mục tiêu là phát huy lợi thế về vị trí trung tâm của khu vực có nhiều tiềm năn du lịch thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum như hồ thủy điện Ialy, hệ thống sông Sê San và các hệ thống suối phụ lưu, sinh thái rừng tự nhiên, khu vực có cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, có văn hóa bản địa đặc sắc, khu vực có lợi thế về đấu nối giao thông…Trên cơ sở đó, phát triển đô thị gắn kết với việc phát triển dịch vụ du lịch, lấy mục tiêu phát triển không gian đô thị gắn với không gian sinh thái đặc trưng về môi trường, khu đô thị nghỉ dưỡng…
Mục tiêu cụ thể là phát triển đô thị bền vững, hiện đại, mang bản sắc địa phương, lấy chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư kết hợp với dịch vụ-du lịch làm nền tảng; kết nối không gian, hạ tầng phù hợp và hiệu quả đối với các khu vực lân cận xung quanh. Khai thác tốt hệ thống giao thông khu vực, giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa các khu chức năng trong đô thị; xây dựng thị trấn Ialy thành một đô thị xanh, sạch, văn minh và có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.
Dự kiến dân số thường trú định hướng đến năm 2025 của thị trấn Ialy là 7.800 người và dân số du lịch, vãng lai là 80.000 lượt khách/năm; dân số thường trú đến năm 2030 là 8.600 người và dân số du lịch, vãng lai là 180.000 lượt khách/năm.
Ở đây đã có những cơ sở để tỉnh Gia lai có quyết định như vậy. Cùng với quá trình xây dựng công trình thủy điện Ialy thì tại khu vực, đồng thời cũng hình thành thị trấn Ialy với tổng diện tích đất tự nhiên là 4.846 ha, trong đó 1.700 ha là diện tích lòng hồ thủy điện Ialy. Từ chỗ chỉ có ít cư dân là đồng bào dân tộc người Jrai cư trú, sinh sống thì đến nay thị trấn Ialy đã có 1.724 hộ, 6.889 khẩu, trong đó có 693 hộ, 2.987 khẩu là người Jrai, còn lại là người kinh cùng nhau cư trú sinh sống ở 10 thôn, làng.
Tổng giá trị sản xuất tính theo giá hiện hành (lấy mốc cuối năm 2018) là 184,427 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ sản xuất nông nghiệp là 96, 258 tỷ đồng, chiếm 52% cơ cấu kinh tế; thu nhập từ phi nông nghiệp là 50,719 tỷ đồng, chiếm 28% cơ cấu kinh tế. Bình quân thu nhập đầu người ở thời điểm này là 26,8 triệu đồng/người/năm.
Tại thị trấn Ialy cũng đã xây dựng trạm y tế có khả năng thực hiện đầy đủ các chương trình y tế quốc gia, sơ cứu, điều trị ban đầu cho nhân dân. Thị trấn cũng đã có hệ thống trường học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông đảm bảo cho các em đến tuổi được học hành đầy đủ. Năm học 2018-2019 các trường học trên địa bàn thị trấn có 2.117 học sinh, trong đó 353 học sinh mầm non, 656 học sinh tiểu học, 463 học sinh trung học cơ sở, 645 học sinh trung học phổ thông.
Cơ duyên từ những người ở lại
Thị trấn Ialy thực sự là nơi nhiều con người muốn gắn bó, lập nghiệp. Chủ tịch UBND thị trấn Ialy Phạm Quang Long cũng là một ví dụ. Năm 1996, khi công trình thủy điện Ialy đang trong quá trình xây dựng thì Phạm Quang Long khăn gói từ tỉnh Thái Bình vào nhận nhiệm vụ làm giáo viên một trường phổ thông trung học cơ sở. Điều kiện ăn, ở lúc đó còn nhiều khó khăn, nhưng Phạm Quang Long đã xác định, đây sẽ là nơi an cư, lập nghiệp lâu dài, vì vậy sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nơi đây. Cũng qua vài lần điều chuyển công tác, đảm nhận các chức vụ, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông cơ sở các xã IaMnông, IaPhí rồi phó phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Păh và hiện nay là Chủ tịch UBND thị trấn Ialy. Ông Phạm Quang Long cứ nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, đó hình như là cơ duyên để gắn bó với thị trấn Ialy và khẳng định rằng, đó là niềm tự hào của bản thân. Đồng thời Phạm Quang Long, là một nhân chứng đã khẳng định sự đổi thay thực sự của thị trấn Ialy mà quá trình này có sự giúp đỡ thiết thực của Công ty Thủy điện Ialy bằng những ký kết quan trọng từ những năm trước với mục đích: tăng cường sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa doanh nghiệp với địa phương, giữa đồng bào các dân tộc với cán bộ, CNV công ty; giáo dục cho nhân dân địa phương, CBCNV công ty cùng hiểu được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước để phát triển toàn diện kinh tế, xã hội địa phương; tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo của địa phương về vật chất, tinh thần để vươn lên xóa đói, giảm nghèo; đảm bảo công tác an ninh-quốc phòng, bảo vệ và bảo đảm an toàn đời sống cho nhân dân trong khu vực và tài sản của Công ty Thủy điện Ialy.
Cũng một ghi nhận khác, đó là mới đây, một doanh nhân từ thành phố Hồ Chí Minh đã bỏ nhiều tiền ra để mua đất, đầu tư xây dựng một khu trồng cây ăn trái, du lịch với nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với nhiều phân khu chức năng …tại thị trấn Ialy. Đó là Công ty TNHH MTV Sâm Phát mà đứng đầu là Giám đốc Nguyễn Chất Sâm. Ông Sâm nói: Chỉ là chuyện tình cờ, một lần từ thành phố Hồ Chí Minh ra chơi, thấy nơi đây khí hậu tuyệt vời quá, mát mẻ, khác hẳn với cuộc sống hàng ngày tại thành phố Hồ Chí Minh suốt ngày phải ở trong phòng lạnh, ngột ngạt nên quyết định đầu tư tại thị trấn Ialy.
Hiện nay, ông Sâm đã thuê và mua được 10 ha đất, đang tiến hành khảo sát, thiết kế, chuẩn bị xây dựng các công trình theo dự kiến và số tiền đầu tư có thể lên đến vài chục tỷ đồng. Ông Sâm đang thống nhất với chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng để có đất mở rộng thêm diện tích, mở rộng qui mô đầu tư để hình thành khu du lịch sinh thái kiểu miệt vườn với những loại cây có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sầu riêng, gần giống như trong Nam bộ. Ông Sâm tâm sự, đó là cơ duyên và rất thích đầu tư ở nơi này vì có một môi trường rất tốt, rất trong lành. Ông cũng tin tưởng rằng thị trấn Ialy trong tương lai, dứt khoát sẽ là nơi kinh tế-xã hội phát triển và nhiều người sẽ tìm đến để tham quan, nghỉ ngơi, điều dưỡng và doanh nghiệp của mình cũng vì thế kinh doanh tốt.
Chúng tôi tin rằng, với niềm tin yêu, sự sáng tạo của những người bén duyên với vùng đất này như ông Long, ông Sâm và hàng nghìn người khác cùng với những tiềm năng hiện hữu sẽ là hành trang nền tảng để đưa Ialy phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong một tương lai không xa, tạo nên một bản tình ca Tây Nguyên mới, hoà chung cùng với đất nước trên con đường phát triển.