Đọc sách: Thói quen nuôi dưỡng tinh thần chiến sĩ Hải quân
Nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), các chiến sĩ Hải quân đã nói lên cảm nhận về giá trị của văn hóa đọc nói chung và của các cuốn sách đối với mỗi người lính Hải quân đang canh gác biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đọc sách trong lòng biển
Giữa lòng đại dương sâu thẳm, nơi gần như cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, những thủy thủ tàu ngầm Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân vẫn duy trì một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng - thói quen đặc biệt: đọc sách. Đối với họ, sách không chỉ là công cụ giải trí mà còn là người bạn đồng hành nuôi dưỡng đời sống tinh thần và trí tuệ.
Thư viện Lữ đoàn 189 |
Trong lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam, tàu ngầm là lực lượng tác chiến đặc biệt, hoạt động trong môi trường đặc thù và đòi hỏi tính kỷ luật, chính xác cao. Không gian sinh hoạt chật hẹp, thiếu ánh sáng tự nhiên, không có kết nối internet, sóng điện thoại, tivi…đó là những thách thức đặt ra đối với các thủy thủ tàu ngầm trong việc tìm kiếm hình thức giải trí phù hợp sau những giờ làm việc căng thẳng.
Thượng tá Lê Trung Hiếu, Chính trị viên (Tàu ngầm 182-Hà Nội) cho biết: “Trong điều kiện hoạt động đặc thù của tàu ngầm, sau những giờ huấn luyện, đi ca căng thẳng, để tái tạo năng lượng, sức khỏe, giữ vững tinh thần và ý chí cho cán bộ, thủy thủ chúng tôi duy trì rất nhiều hình thức giải trí cho các cán bộ, thủy thủ lựa chọn như xem phim tại câu lạc bộ, tổ chức giao lưu cờ vua, cờ tướng, tổ chức sinh nhật trong lòng biển, bản tin hành trình trong lòng biển… Trong các hình thức đó, đọc sách là hình thức được nhiều cán bộ, thủy thủ lựa chọn nhất”.
Trên tàu ngầm, việc đọc sách không đơn thuần là thú vui hay giải trí. Nó còn là phương pháp hữu hiệu để cán bộ, thủy thủ tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thiếu tá Trần Trung Nguyên, Trưởng ngành ra đa - sô na (Tàu 187 - Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Tàu ngầm kilo 636 là lớp tàu ngầm diezel - điện hiện đại, tích hợp nhiều công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đòi hỏi thủy thủ phải có trình độ chuyên môn cao, sự hiểu biết toàn diện và khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy. Trong bối cảnh đó, đọc sách đã trở thành một hình thức tự học tập có hiệu quả, giúp tôi củng cố kiến thức chuyên ngành, cập nhật kiến thức mới, kinh nghiệm khai thác, bảo quản, bảo dưỡng, làm chủ vững chắc vũ khí trang bị kỹ thuật.. phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”.
Việc đọc sách trên tàu không hề ngẫu nhiên hay bộc phát, mà đã hình thành như một thói quen, một nếp văn hóa được cán bộ, thủy thủ duy trì nghiêm túc, có kỷ luật. Nhiều thủy thủ đã tự đặt ra cho mình mục tiêu đọc sách mỗi ngày, lựa chọn đầu sách theo từng chủ đề để bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, rèn luyện tư duy logic, hoặc đơn giản là tìm một chút nhẹ nhàng từ những vần thơ, áng văn đầy cảm xúc về quê hương, đất nước.
Cán bộ, thủy thủ tham quan các mô hình sách |
Thượng úy chuyên nghiệp Lê Mạnh Hoàng, nhân viên lái tín hiệu (Kíp tàu ngầm số 8) chia sẻ: “Tôi dành ít nhất 30 phút cho việc đọc sách mỗi ngày, khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, thời gian mà tôi đọc sách sẽ nhiều hơn. Trong quá trình đọc tôi thường ghi chép lại các nội dung mà tôi tâm đắc và sau đó chia sẻ lại cho đồng chí, đồng đội hoặc giới thiệu cuốn sách đó cho đồng đội cùng đọc”.
Mỗi cuốn sách là "văn hóa tàu ngầm"
Trên mỗi tàu ngầm đều có một tủ sách nhỏ được đặt trang trọng tại câu lạc bộ của tàu. Mỗi cuốn sách, mỗi tủ sách nhỏ này chính là biểu hiện sinh động của “văn hóa tàu ngầm” - trở thành một điểm đến quen thuộc của cán bộ, thủy mỗi khi kết thúc nhiệm vụ trực, huấn luyện hay trong những buổi tối yên tĩnh giữa lòng đại dương.
Trung tá Nguyễn Văn Thuân, Chính trị viên (Tàu ngầm 183-TP. Hồ Chí Minh), cho biết: “Những cuốn sách mà các thủy thủ yêu thích, từng gắn bó trong thời gian học tập, công tác hoặc được người thân tặng, giờ đây trở thành tài sản chung cho đồng đội cùng đọc. Theo tôi, việc tặng sách không chỉ mang ý nghĩa tri ân, động viên mà còn góp phần xây dựng thói quen đọc, bồi dưỡng nhân cách và bản lĩnh cho thủy thủ tàu ngầm”.
Đọc sách tại câu lạc bộ của tàu ngầm |
Thượng tá Hoàng Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy, Phụ trách Chính ủy Lữ đoàn cho biết: "Văn hóa đọc đã góp phần xây dựng nhân cách, hình ảnh người thủy thủ tàu ngầm Việt Nam mẫu mực, đẹp từ trong đơn vị, gia đình đến ngoài xã hội với những phẩm chất tiêu biểu “Vinh dự, trách nhiệm, lịch thiệp, kỷ cương, đoàn kết, khiêm nhường, kiên cường, quyết thắng” - Thượng tá Hoàng Văn Đồng cho hay.
Đồng hành cùng những thủy thủ tàu ngầm ở giữa lòng đại dương sâu thẳm, sách vẫn âm thầm lên tiếng - không phải bằng lời, mà bằng sức mạnh nuôi dưỡng tinh thần, hun đúc trí tuệ và bồi dưỡng lòng yêu nước cho những thủy thủ tàu ngầm. Lẫn trong tiếng máy rì rầm và sự tĩnh lặng đặc trưng của lòng biển, những trang sách vẫn tiếp tục được lật mở - như những ánh sáng nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, đồng hành cùng những thủy thủ tàu ngầm Lữ đoàn 189 trong hành trình làm chủ đại dương.
Sách là người bạn của mỗi chiến sĩ trên đảo tiền tiêu
Nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4) nhiều đơn vị của Hải quân Việt Nam đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm phát huy giá trị tích cực của Ngày sách và văn hóa đọc trong đời sống của mỗi người như: Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân; Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân.
Với đặc thù trên quần đảo Trường Sa không phủ sóng mạng internet như ở đất liền nên việc tiếp cận với trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ số, và các loại hình truyền thông khác gặp nhiều khó khăn. Vì vậy với cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa thì văn hoá đọc - một trong những yếu tố cốt lõi để xây dựng tri thức và bồi đắp tư duy lại càng trở nên chủ đạo và quan trọng.
Đồng chí Thượng tá Nguyễn Duy Bá, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 cho biết: Năm nay đơn vị tổ chức nhiều hoạt động lòng ghép vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2025), 50 năm giải phóng hoàn toàn miềm Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức đọc sách theo nhóm, tổ chức toạ đàm sách gắn với lịch sử xây dựng, chiến đấu trưởng thành của quần đảo Trường Sa, của Quân chủng Hải quân; biên tập và giới thiệu những cuốn sách hay ý nghĩa và phát trên hệ thống truyền thanh nội bộ của đơn vị...
Cán bộ, chiến sĩ Đảo An Bang đọc sách trong ngày nghỉ |
Trực tiếp công tác trên đảo Sinh Tồn Đông, Trung tá Lương Tú Đa, Chính trị viên đảo cho biết: Mặc dù đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ đan xen, nhưng chỉ huy đảo đã làm tốt công tác giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam năm 2025 với thông điệp “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa; thành lập tổ đọc sách, tổng hợp các cuốn sách hay, ý nghĩa trưng bày tại phòng sinh hoạt chung phục vụ cán bộ, chiến sĩ tìm hiểu tham khảo; tổ chức giới thiệu cuốn sách hay, ý nghĩa; tiến hành xếp mô hình sách với ý tưởng sáng tạo, độc đáo.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 đọc sách, báo kỷ niệm Ngày sách Việt Nam |
Cán bộ Thư viện giới thiệu sách cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị Lữ đoàn 171 |
Trung sỹ Thái Hữu Phước, Cụm chiến đấu 2, Đảo Phan Vinh, cho biết: Tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ chúng e lại tìm đến với sách, xem sách như là những người bạn để quên đi căng thẳng, mệt nhọc sau một ngày huấn luyện công tác; đặc biệt có nhiều cuốn sách đã rèn luyện thêm cho các em về kỹ năng sống; kỹ năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trên quần đảo Trường sa.
Cán bộ, chiến sĩ Đảo Sinh Tồn Đông sau buổi thi giới thiệu sách |