Độc đáo nghi lễ cưới truyền thống của dân tộc M'nông
Theo phong tục của dân tộc M'nông, trước khi tổ chức lễ cưới truyền thống sẽ tổ chức lễ Kep môi (lễ dạm), lễ Văng Ur (lễ ăn hỏi). Dân tộc M’nông có tập tục tiến hành lễ ăn hỏi liền với lễ cưới. Trong lễ này, nhà trai phải mang đến nhà cô gái lễ vật gồm: Một ché rượu, một con gà nướng, một con gà sống, một bát gạo trắng, một cây đèn sáp, một con dao, một chiếc lao, một chiếc lược chải tóc...
Lễ cưới truyền thống của dân tộc M’nông |
Nhà trai chuẩn bị lễ vật mang sang nhà gái hỏi cưới |
Muốn cho lễ cưới được tiến hành sớm, nhà gái sẽ phải đem các vật lễ như dao, lược, váy áo mà nhà trai mang sang để tặng lại cho nhà trai để chứng tỏ rằng mình đã giữ trọn vẹn các lễ vật đính ước và ngỏ ý muốn nhà trai cho cử hành lễ cưới. Sau khi nhà trai ra về, nhà gái sẽ sửa soạn các lễ vật để chuẩn bị cho lễ cưới sắp tới.
Đoàn nhà trai trên đường đến nhà gái |
Đến ngày lành tháng tốt trong lễ cưới truyền thống của dân tộc M’nông, nhà trai cùng các lễ vật mang đến nhà gái. Đi đầu là bà mối, tiếp theo là bố mẹ chú rể, chú rể và đại diện dòng họ nhà trai. Đến trước sân nhà gái, hai bà mối hát đối đáp. Khi bà mối nhà trai hát đáp được, thì bà mối nhà gái nhận bát gạo từ nhà trai và đưa cho bố cô dâu sẽ mời bà mối cùng bố mẹ, chú rể và mọi người vào nhà.
Hai bà mối hát đối đáp trong lễ cưới truyền thống |
Khi vào trong nhà, nhà trai bày lễ vật lên một chiếc nia. Già làng, bố cô dâu dẫn cô dâu ra, đồng thời bà mối nhà trai đưa chú rể ra trình diện hai bên gia đình. Hai bên gia đình, một lần nữa hỏi ý kiến đôi trai gái xem họ có gì thay đổi không. Nếu không có gì thay đổi, cô dâu sẽ đưa cho bố mình chiếc vòng đồng để bố trao cho chú rể và cô dâu tự nhận lễ vật của bên nhà trai.
Già làng thực hiện nghi thức trong lễ cưới |
Sau khi mọi người uống rượu xong, bà mối và già làng mời vợ chồng trẻ tiến hành nghi thức trùm chăn hay được gọi là kup boh (lễ trùm mặt), một nghi thức không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người M’nông. Một ché rượu đã được đổ đầy nước. Con gà nướng đã đặt sẵn trên lá. Ché rượu được cột vào chiếc cán của chiếc lao. Trên hai cạnh của núm lao, sẽ gắn hai cây đèn sáp dài bằng nhau. Người ta lấy rượu pha huyết con vật hiến sinh quệt lên thành ché rượu. Chú rể thắp sáng hai cây đèn sáp rồi cùng cô dâu khẩn cầu các vị thần linh phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ sống bên nhau hạnh phúc trọn đời.
Trao vòng trong lễ cưới truyền thống |
Trong lễ cưới truyền thống của dân tộc M’nông, bà mối sẽ mời cô dâu chú rể trao vòng đồng cho nhau trước sự chứng kiến của mọi người. Sau đó, hai bà mối và già làng cầm một tấm chăn rộng trùm lên đầu cô dâu chú rể và họ chúc phúc cho họ. Chúc phúc xong, già làng và bà mối đẩy nhẹ cô dâu chú rể ngã xuống. Ngay lập tức, cô dâu chú rể lật chăn lên trong tiếng reo hò cổ vũ của mọi người. Theo luật tục xưa, nếu ai nhanh tay hơn khi lật chăn, người đó sẽ là trụ cột trong cuộc sống chung sau này. Sau đó, hai vợ chồng trẻ mời rượu nhau và cùng đứng lên thổi tắt đèn sáp, họ sẽ so hai cây đèn sáp với nhau, cây nào dài hơn chứng tỏ người đó sẽ sống lâu hơn.
Nghi thức thổi đèn sáp của cô dâu chú rể |
Tiếp đó, đến lượt chú rể mời rượu và trao lễ vật cho bên nhà gái. Đầu tiên là bố mẹ vợ, kế đến là chủ hôn, rồi đến họ hàng. Nếu là đàn bà thì sẽ được tặng một chiếc váy hoa, một chiếc vòng đồng và kèm theo một vòng chỉ hoặc vòng cườm. Nếu là đàn ông thì sẽ được tặng một chiếc khố hoa, một chiếc vòng đồng và kèm theo một vòng chỉ hoặc vòng cườm.
Hai vợ chồng trẻ biểu hiện tình cảm gắn bó của hai người. |
Lễ vật trao cho hai bên gia đình xong, cô dâu và chú rể tiếp tục cùng đi trao lễ vật cho những người có mặt tại lễ cưới, mỗi người một vòng cườm hoặc vòng chỉ. Cô dâu chú rể cũng được những người có mặt tại lễ cưới tặng quà để chúc phúc. Sau khi đã tặng cho nhau những lễ vật, hai bên gia đình và bà con họ hàng sẽ cùng nhau ăn uống, đánh chiêng, hát ca để chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Theo phong tục lễ cưới truyền thống của dân tộc M’nông, sau khi làm lễ cưới xong, hai vợ chồng lưu lại nhà vợ bốn hoặc tám ngày, rồi cùng bố mẹ, họ hàng nhà gái sang bên nhà trai để chào và đưa cô dâu ra mắt bố mẹ, họ hàng nhà chồng.
Lễ cưới truyền thống của dân tộc M’nông là một phong tục đẹp, giàu tính nhân văn được bà con người M’ Nông trân trọng giữ gìn. Mặc dù ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối sống hiện đại nhưng đồng bào M’nông vẫn luôn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Họ đã biết loại bỏ những thủ tục rườm rà, thay vào đó là những yếu tố tích cực phù hợp với xu thế hiện nay và chắt lọc giữ gìn những tinh hoa văn hóa truyền thống.