Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông ước đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng
Thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 diễn ra ngày 29/7, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) 6 tháng đầu năm ước đạt 1.858.371 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024.
Hiện có 50.350 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động |
Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử 6 tháng đầu năm ước đạt 1.753.071 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 49,53% kế hoạch năm 2024.
Số doanh nghiệp công nghệ số là 50.350 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 106% kế hoạch năm 2024.
Về công tác tham mưu, đề xuất quản lý, chỉ đạo, điều hành, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Trong tháng 6/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó dự án Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại và thương mại hóa sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam cho thị trường trong nước và thị trường nước ngoài giai đoạn 2024 - 2026.
Xây dựng thương hiệu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông Make in Viet Nam năm 2024, tuyên truyền Chương trình sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt; Sách Trắng về Công nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2024.
Đồng thời, triển khai Kế hoạch hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; phối hợp tổ chức Gian hàng quốc gia về sản phẩm công nghệ số của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sự kiện Asia Tech tổ chức tại Singapore.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển công nghiệp ICT đó là thiếu hành lang pháp lý và cơ chế chính sách về công nghiệp ICT; thiếu cơ chế thử nghiệm (hay còn gọi là Sandbox) cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số chưa có quy định pháp lý.
Theo đó, giải pháp cho vấn đề này, đó là xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số trong đó có quy định về sản phẩm ứng dụng AI; quy định cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; quy định thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, xu hướng AI đang là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và đời sống nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cần khai thác AI một cách có trách nhiệm, đảm bảo an toàn và thúc đẩy niềm tin cho người dùng.
Quản lý AI đang trở thành vấn đề cấp bách, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Các quốc gia và tổ chức đang nỗ lực xây dựng khung pháp lý, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển AI một cách có trách nhiệm, an toàn và bền vững.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, về nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, sẽ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Luật Công nghiệp công nghệ số và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 154/2013/NĐ-CP; xây dựng Sách Trắng về Công nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2024.
Cùng với đó, tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in VietNam”; triển khai Kế hoạch hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030