Thứ sáu 22/11/2024 03:50

Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo sang thị trường Bắc Âu cần lưu ý gì?

Xu hướng nổi bật đối với sản phẩm chế biến chế tạo của thị trường Bắc Âu là tính bền vững, thân thiện với môi trường công nghệ tiên tiến, sản phẩm thông minh.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, trong 5 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy đạt 1,08 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 650,36 triệu USD, tăng 3,76% và nhập khẩu đạt 430,91 triệu USD, tăng 8,37% so với cùng kỳ năm 2023. Về đầu tư, các nước Bắc Âu hiện có 337 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 2,91 tỷ USD.

Dệt may là sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang thị trường Bắc Âu (Ảnh: Cấn Dũng)

Trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu sang thị trường EU, các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, đồ gỗ… chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng cơ cấu xuất nhập khẩu nói chung sang các thị trường này. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu sang khu vực thị trường Bắc Âu luôn phải nắm rõ các quy định của thị trường nhằm giữ vững thị phần tại đây.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, khu vực Bắc Âu là một trong những khu vực tiên tiến nhất thế giới trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại và phát triển bền vững. Những xu hướng chủ đạo trong ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tại đây đang định hình tương lai của ngành sản xuất toàn cầu. Có hai xu hướng nổi bật là Tính bền vững và thân thiện với môi trường và Công nghệ tiên tiến và sản phẩm thông minh. Đây là điều các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải lưu ý nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Theo đó, đối với nhóm mặt hàng dệt may, da giày, và nội thất, trong những năm gần đây, các nước Bắc Âu đã nổi lên như những người đi đầu trong việc sử dụng màu sắc trong trang trí nhà cửa và dệt may, da giày. Tính thẩm mỹ tối giản kết hợp với các nguyên tắc thiết kế đi kèm chức năng đã khiến xu hướng Bắc Âu có sức ảnh hưởng lớn. Xu hướng thiết kế được định hình bởi các yếu tố xã hội, kinh tế, chính trị và môi trường. Trong bối cảnh Bắc Âu, một số ảnh hưởng chính đã thúc đẩy xu hướng màu sắc gần đây:

Cụ thể, về sức khỏe và thiên nhiên, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến sức khỏe, thể hiện qua việc chọn các màu sắc tự nhiên, không có hóa chất. Màu sắc phản ánh ý thức về môi trường nên xu hướng màu từ thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng.

Đối với tính liên tục và bền vững, ngày càng có nhiều nhận thức về sự cần thiết phải làm chậm lại các chu kỳ thay đổi màu sắc. Xu hướng về chu kỳ màu sắc lâu dài hơn cũng phù hợp với mục tiêu bền vững. Các sản phẩm có vòng đời kéo dài giúp giảm chất thải và nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên, điều này ngày càng quan trọng trong thị trường có ý thức về môi trường như các nước Bắc Âu.

"Bằng cách hiểu và tích hợp xu hướng Bắc Âu, các công ty Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm gây thu hút người tiêu dùng, những người coi trọng tính bền vững, sự tối giản và tính thẩm mỹ tự nhiên. Việc áp dụng các chiến lược này không chỉ phù hợp với xu hướng toàn cầu mà còn giúp định vị sản phẩm Việt Nam là những lựa chọn hợp thời trang, chất lượng cao và thân thiện với môi trường trên thị trường toàn cầu" - bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý chỉ rõ.

Đối với sản phẩm cơ khí, điện tử và công nghiệp hỗ trợ, trong bối cảnh hiện đại, các nước Bắc Âu đang dẫn đầu trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến và thiết kế bền vững vào ngành cơ khí, điện tử và công nghiệp hỗ trợ. Những sản phẩm từ khu vực này nổi bật nhờ vào sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ, độ bền cao và khả năng bảo vệ môi trường.

Theo đó, những yếu tố thúc đẩy xu hướng này là công nghệ xanh và bền vững. Cụ thể, người tiêu dùng và các doanh nghiệp tại Bắc Âu ngày càng chú trọng đến việc sử dụng công nghệ xanh trong sản xuất. Họ ưu tiên những thiết bị cơ khí có hiệu suất năng lượng cao và ít phát thải khí carbon. Điều này thúc đẩy xu hướng phát triển các sản phẩm cơ khí từ vật liệu tái chế và dễ phân hủy, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, xu hướng thiết kế tối giản nhưng hiệu quả cao đang trở nên phổ biến trong ngành cơ khí. Các sản phẩm được thiết kế với sự chú trọng đến chức năng và tính ứng dụng, tạo ra những giải pháp thông minh cho cả công nghiệp lẫn tiêu dùng cá nhân.

Việc tích hợp công nghệ số vào các sản phẩm cơ khí, chẳng hạn như IoT và AI, giúp tăng cường khả năng kết nối và quản lý thông minh. Các hệ thống máy móc có thể tự động giám sát, bảo trì và tối ưu hóa hoạt động, mang lại hiệu quả cao hơn cho người sử dụng.

Ngoài ra, các sản phẩm cơ khí từ Bắc Âu thường được thiết kế với vòng đời sản phẩm dài, nhằm giảm thiểu lãng phí và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm bền vững và đáng tin cậy.

Bằng cách nắm bắt và áp dụng những xu hướng này, các công ty Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, điện tử và công nghiệp hỗ trợ có thể phát triển những sản phẩm thu hút người tiêu dùng Bắc Âu. Các doanh nghiệp có thể hướng đến việc phát triển những giải pháp kỹ thuật cao, vừa thân thiện với môi trường, vừa mang lại giá trị sử dụng lâu dài cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý thông tin, hiện nhiều doanh nghiệp Bắc Âu đang chuyển hướng đầu tư và kinh doanh với Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo.

Đơn cử, Công ty Autoliv chuyên sản xuất sản phẩm an toàn dùng trong ô tô như túi khí, dây an toàn, hệ thống phanh và cảm biến an toàn. Trụ sở chính của công ty ở Thụy Điển và 72 nhà máy tại nhiều quốc gia trên thế giới. Công ty là đơn vị cung cấp sản phẩm an toàn trong ô tô đứng đầu trên thế giới với doanh thu năm 2023 là 10,48 tỷ USD. Công ty này đang tìm hiểu khả năng đầu tư và liên kết với doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm cũng như giải pháp an toàn tiên tiến.

Tập đoàn OJD là một tập đoàn công nghiệp nổi tiếng tại Đan Mạch chuyên cung cấp các sản phẩm bán thành phẩm và phụ tùng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Hiện tại, OJD có hai bộ phận chính: OJD Automotive, chuyên cung cấp các sản phẩm ngách cho thị trường hậu mãi ô tô, và OJD Industry, chuyên ung cấp các sản phẩm phụ tùng theo yêu cầu khách hàng cho ngành công nghiệp của Đan Mạch và các nước EU khác. Các sản phẩm tập đoàn này đang tìm kiếm để từ Việt Nam là các bộ phận gia công (turned parts), dập (stamped parts), lò xo (springs), các bộ phận đúc lạnh (cold-formed parts), nhựa và cao su (plastic & rubber). Đây là các doanh nghiệp uy tín mà doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Tin cùng chuyên mục

Toạ đàm doanh nghiệp Việt Nam – Thuỵ Điển năm 2024: Gia tăng quan hệ hai chiều trong lĩnh vực logistics

Doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại gạo giữa hai nước Việt Nam và Philippines

Liên minh châu Âu công bố danh sách cấp chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm nhập từ Việt Nam

Xelex Việt Nam ra mắt mẫu laptop và máy tính bảng Latimer tại thị trường Hoa Kỳ

Đa dạng hóa hàng xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - Philippines

Không có gạo Việt Nam trong số gạo bị tạm giữ tại Thuỵ Điển do nghi ngờ gian lận chất lượng

Doanh nghiệp Việt kiều làm 'cầu nối' đưa hàng Việt Nam ra thế giới

Hàng trăm tấn gạo bị tạm giữ tại Thuỵ Điển do nghi ngờ gian lận chất lượng

Liên kết Việt - cầu nối đưa hàng Việt Nam dần tiếp cận chuỗi phân phối tại Bỉ

Xuất khẩu thủy sản duy trì thị phần tốt tại Singapore

Tình hình kinh tế Gambia và quan hệ thương mại với Việt Nam

Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Senegal

Xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 dự báo đạt 56,3 triệu tấn

Tuần hàng Việt Nam tại Pháp - nền tảng để doanh nghiệp phát triển, xây dựng thương hiệu tại châu Âu

Algeria cấm nhập khẩu một số sản phẩm sắt thép

Senegal thị trường tiềm năng cho hàng nông sản, thực phẩm

EU thay đổi quy định kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch với bang Uttar Pradesh Ấn Độ

Thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong ngành lụa tơ tằm