Doanh nghiệp Việt gặp nhiều thách thức phát triển trong nền kinh tế số
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam |
Đây là nhận định chung của các chuyên gia cao cấp về chính sách, công nghệ số của các tổ chức trong nước và quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam (VDE Forum 2018), do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu phối hợp với Công viên Phần mềm Quang Trung tổ chức ngày 1/11/2018, tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo nhận định của các chuyên gia, nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp từ thông tin truyền thông, giải trí, giáo dục đào tạo đến giao thông vận tải, khách sạn, phân phối, bán buôn, bán lẻ...
Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam thu hút sự quan tâm của các chuyên gia cao cấp về chính sách, công nghệ số của các tổ chức trong nước và quốc tế |
Thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các DN khởi nghiệp tư nhân giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Chính xu thế này đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Việt Nam, các mô hình số hóa đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng hiệu quả nguồn lực trong xã hội. Tuy nhiên, mô hình này cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Trước viễn cảnh mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận tại diễn đàn |
Thêm vào đó, sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ hiện đại cũng đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey đưa ra dự báo, sẽ có khoảng 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới.
Tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Do đó nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.
Doanh nghiệp Việt đối mặt nhiều thách thức trong nền kinh tế số |
Theo ghi nhận thực tế, các nội dung tham luận và thảo luận tại VDE Forum 2018, đã tập trung vào 4 nội dung đang thu hút sự quan tâm hiện nay của cơ quan quản lý và các DN như: Kịch bản Kinh tế số Việt Nam; Công nghệ số tác động đến các quyết định chiến lược của doanh nghiệp vừa và nhỏ; Ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ; Các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những nội dung tại VDE Forum 2018 đều có hàm lượng chuyên môn cao, hướng đến việc kiến tạo một nền tảng đối thoại và kết nối giữa DN trong nước và quốc tế với các nhà hoạch định chính sách quốc gia trước thách thức của cơn lốc chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội.
Các đại biểu tham quan mô hình công nghệ trưng bày bên lề diễn đàn |
Ông Ryan Jacildo, chuyên gia kinh tế OECD - Tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế, phụ trách nghiên cứu mảng Kinh tế số cho khu vực Đông Nam Á - nhìn nhận, một số thay đổi quan trọng về chính sách đào tạo nhân lực, hệ thống thanh toán và ký thác cũng như các chính sách bảo vệ thông tin và người tiêu dùng sẽ trở nên cần thiết để Việt Nam phát huy hiệu quả quá trình chuyển đổi số, tiếp tục duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định như trong thời gian vừa qua.
Liên quan đến phát triển nền kinh tế số, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thành Hưng - cho biết, hiện Chính phủ đang triển khai xây dựng và hướng tới nền kinh tế số. Muốn làm được điều này thì phải xây dựng và triển khai được hạ tầng số nhanh và hiệu quả.
Ông Nguyễn Thành Hưng - cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp đáp ứng được việc triển khai các công nghệ mới, xử lý được các vấn đề phát sinh mâu thuẫn khi công nghệ mới được triển khai. Song song đó, phải đổi mới giáo dục dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực triển khai kinh tế số. Đồng thời phải xây dựng được dữ liệu và quản lý dữ liệu, dữ liệu mở để người dân có thể tiếp cận và sử dụng được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình...
Hiện nay, ngành viễn thông công nghệ thông tin đã tạo ra hạ tầng viễn thông 3G, 4G phủ 95% cả nước, sắp tới sẽ triển khai 5G, đây là một nền tảng quan trọng của nền kinh tế số.