Doanh nghiệp vay vốn bằng vàng, người dân cũng hưởng lợi
Cũng vì thế mà hoạt động đầu cơ vàng đã không còn sôi động như trước nhưng nhu cầu tích trữ phòng thân với vàng trong dân vẫn còn là rất lớn.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới gần đây, còn ít nhất khoảng vài trăm tấn vàng trong dân chúng Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là vốn ngân sách ngày càng eo hẹp, nguồn lực vàng đang bị người dân "gối đầu giường" là rất quý báu.
Không phải đến thời điểm này việc huy động vàng, tranh thủ khai thác nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế mới được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Thực tế, để thực hiện điều này không hề đơn giản. Ai sẽ là người cầm trịch hoạt động này? Tất nhiên không thể là các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi những hậu quả của việc NHTM sử dụng sai mục đích vốn vàng huy động trong dân là nguyên nhân chính gây lỗ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng tại một số NHTM. Thậm chí là tác nhân chính dẫn đến nguy cơ đổ vỡ thanh khoản.
Nếu doanh nghiệp (DN) huy động vàng của dân thì có gây hệ luỵ rủi ro hay không? Bình luận về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, nếu DN vay vàng để phục vụ sản xuất ra chính các sản phẩm bằng vàng bán ra thị trường, giả sử giá vàng có tăng hay giảm thì các sản phẩm vàng khi bán ra vẫn sẽ được tính theo thời điểm giá vàng quy đổi nên vẫn đảm bảo giá trị cho chính vàng vay mượn của dân. Đó là chưa kể DN kinh doanh vàng họ có thể tự cân đối nguồn để chi trả cho người dân.
DN vay vàng của dân để thực hiện sản xuất kinh doanh, không cho vay lại nên vàng đó tồn tại dưới dạng vàng trang sức đưa vào thị trường. DN thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trang sức và lợi nhuận đó đủ để mua vàng đối ứng chi trả cho người dân khi người dân có nhu cầu tất toán hợp đồng vay vàng. Những lo ngại mất khả năng chi trả của DN là thiếu căn cứ.
Mặt khác, bài toán kinh doanh hiệu quả ai cũng thấy là DN sẽ không bán vàng đi để gửi tiết kiệm hưởng chênh lệch giữa lãi suất vay vàng và lãi suất tiết kiệm vì biến động giá vàng là thường xuyên và DN phải đảm bảo khả năng thanh khoản liên tục.
Xét ở góc độ vĩ mô, việc vay vàng của dân cũng giảm nhu cầu nhập khẩu vàng trong nước, chảy máu ngoại tệ, tránh tình trạng đô la hóa.
Bên cạnh đó, có thể thấy một trong những lý do chính DN phải huy động vàng trong thời điểm này, được các chuyên gia cho rằng có thể do nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức. Thời gian qua với giải pháp mạnh của Chính phủ, NHNN, vàng miếng không còn trở nên hấp dẫn đối với người dân, nhưng nhu cầu vàng trang sức vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây không có một DN kinh doanh vàng nào được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức.
Vì vậy, thời gian gần đây đã có DN thực hiện vay vốn bằng vàng trở lại. Có ý kiến cho rằng, việc DN vay vốn bằng vàng trả lãi người dân có thể tạo tâm lý đầu cơ tích trữ trong dân, ảnh hưởng đến lộ trình giảm vàng hoá trong nền kinh tế. Nhưng thực tế, theo tìm hiểu số lượng vàng mà DN vay khá khiêm tốn chỉ vừa đủ để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất vàng trang sức của chính DN.
Bản thân các DN vàng cũng phải tính toán bài toán chi phí đầu ra đầu vào để đảm bảo hoạt động kinh doanh lợi nhuận chứ không phải vay vàng một cách tuỳ tiện. DN cũng không có mạng lưới hoạt động rộng khắp như NHTM nên không thể tận dụng ưu thế về hệ thống để dễ dàng vay mượn vàng trong dân với số lượng khổng lồ được.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam thì tổng số lượng các DN là thành viên của Hiệp hội vay vàng của dân trong năm 2015 cũng chỉ trong khoảng 20.000 lượng, tương đương 750 kg vàng. Nếu so với thời kỳ đỉnh cao huy động của các NHTM lên tới 35 tấn vàng thì thật chẳng thấm tháp vào đâu.
Mặt khác, theo chuyên gia, người dân cũng đang được hưởng lợi từ hoạt động này không chỉ từ khoản lãi suất nhỏ mà DN trả, mà quan trọng hơn là người dân có thể yên tâm hơn về chất lượng vàng trang sức mình mua. Vì thời gian qua DN không có vàng nguyên liệu để sản xuất bắt buộc phải mua vàng trôi nổi trên thị trường mà chất lượng vàng này thì không ai có thể đảm bảo được.
Vào thời điểm vàng thế giới rẻ hơn trong nước thì các DN cũng không tận dụng được cơ hội vì không được phép nhập khẩu. Nhưng không được nhập khẩu thì DN sẽ phải mua hàng trôi nổi với giá cao hơn so với giá vàng thế giới và họ sẽ phải tính chênh lệch trên vào giá thành nên cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt.
Tất nhiên, sẽ phải có những đánh giá một cách cụ thể hơn ở nhiều chiều cạnh, nhưng theo một số chuyên gia, cần thiết phải có những giải pháp sử dụng hiệu quả số vàng “tồn đọng” trong dân cho nền kinh tế, thay vì để nó lạnh lẽo trong kho ngân hàng dưới dạng giữ hộ, hay trong két của người dân… Và việc DN vay vốn bằng vàng trong dân có thể là một lựa chọn.