Doanh nghiệp trước xu hướng tiêu dùng mới: Làm gì để thích ứng?
Tại Diễn đàn trực tuyến: Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi diễn ra mới đây, dẫn phân tích của Ipsos, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát - cho biết, có 4 kịch bản có thể xảy ra với nền kinh tế: Nguồn sức mạnh quen thuộc; bảo vệ xã hội hiện tại; xã hội biến đổi tiêu cực; trạng thái đổ vỡ, mong manh.
Theo bà Phương, do thu nhập giảm nên người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu những sản phẩm không thiết yếu hoặc được xem là không tốt cho sức khỏe, và mua hàng dựa trên giá trị, lợi ích sản phẩm mang lại. Người tiêu dùng vẫn trung thành những nhãn hiệu, thương hiệu có đạo đức, chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ cho cộng đồng, nhưng vẫn sẵn sàng thử sản phẩm mới/dịch vụ mới đáp ứng cho nhu cầu mới của họ. Hình thức thanh toán không tiếp xúc khi mua sắm sẽ phát triển, do đó giao dịch trên sàn thương mai điện tử tiếp tục tăng trưởng. Trong đó mua sắm qua livestream có cơ hội phát triển nhiều hơn. Giá trị và tiện lợi sẽ "lôi kéo" người tiêu dùng trung thành với nhãn hiệu sản phẩm.
Lựa chọn nào cho doanh nghiệp?
Theo cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ. Trong đó hầu hết doanh thu các ngành hoạt động đều giảm, trừ nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng 4,5%.
Thói quen mua sắm thay đổi trong dịch Covid- 19 |
Trong ngành hàng thực phẩm và đồ uống (F&B), theo khảo sát của Savills Việt Nam thực hiện vào tháng 7/2021, tỷ trọng doanh thu của kênh trực tuyến (online) so với tổng doanh thu của hãng trung bình tăng 1,5 - 2 lần so với trước Covid-19. Đây cũng chính là sự thay đổi của thị trường bán lẻ ngành hàng F&B Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch sắp tới, và dự kiến là sân chơi của thương mại điện tử và hệ thống vận chuyển, giao nhận, hàng hóa chuẩn chỉnh.
Đối với việc hoạch định mặt bằng của ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), bà Trần Phạm Phương Quyên - quản lý cho thuê mặt bằng bán lẻ, Savills Việt Nam - cho rằng, doanh nghiệp nên xây dựng mạng lưới cửa hàng dàn trải trên nhiều quận, thành phố, địa phương để tối đa hóa sự tiếp cận đến càng nhiều khách hàng nội địa càng tốt nhưng cần thu gọn lại diện tích mặt bằng; tinh gọn bộ máy và chi phí hoạt động; ưu tiên đầu tư và nuôi dưỡng hệ thống phân phối và kênh giao nhận hiệu quả.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc tiêm chủng được đẩy nhanh và giãn cách xã hội dần được dỡ bỏ giúp các cửa hàng mở cửa trở lại sẽ khiến bức tranh ngành bán lẻ tươi sáng hơn nhưng trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn vì thu nhập và khả năng chi trả mua sắm của người lao động sẽ giảm bớt trong năm tới, thậm chí có thể kéo dài tới năm 2023 - 2024.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp có thể sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong kênh phân phối; cho phép người tiêu dùng chủ động trong việc không dùng sản phẩm nhựa khi mua hàng từ xa; tạo cơ chế để người tiêu dùng tiếp tục mua hàng một cách bền vững thông qua cơ chế "làm đầy" - cho phép người tiêu dùng mang chai, lọ đã sử dụng đến để đựng sản phẩm…
Sự lệch pha trong phục hồi của ngành bán lẻ được thấy rõ giữa các ngành nghề, một số ngành sẽ bị ảnh hưởng vĩnh viễn, trong khi những ngành khác lại đứng trước cơ hội thay đổi xu thế. |