Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh dành hơn 7.000 tỷ đồng dự trữ hàng bình ổn thị trường cuối năm
Theo Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, sau hơn 3 tháng mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh tại thành phố (TP) đã có nhiều tín hiệu tích cực. Doanh số bán buôn, bán lẻ tăng liên tục, tháng 10 đạt 43.000 tỷ đồng, tháng 11 là 55.000 tỷ và dự kiến tháng 12 đạt hơn 66.000 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự toạ đàm |
Năm nay, chuẩn bị cho dịp Tết, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã làm việc các doanh nghiệp (DN) bình ổn, DN chủ lực sản xuất chuẩn bị hàng Tết, các DN này cam kết dành hơn 19.000 tỷ đồng dự trữ hàng hóa. Trong đó, chương trình hàng bình ổn thu hút 80 DN tham gia với số tiền 7.000 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết.
Như vậy, chương trình này là chương trình giữ giá ổn định một tháng trước và sau Tết. Với khung chi phối khoảng 30-40% tùy mặt hàng, nó sẽ giúp giảm nhiệt sức nóng của thị trường và khi khu vực nào thiếu hụt, ví dụ như khu vực đông dân, sẽ cần tổ chức nhiều chương trình bình ổn, các DN khác cũng sẽ tham gia.
Đánh giá về cung cầu trong mùa mua sắm Tết, Giám đốc Sở Công Thương nhận định, Tết năm nay số lượng hàng hóa không tăng và đang giữ mức ổn định, thị trường tiêu dùng Tết năm 2022 sẽ không sôi động bằng năm 2021.
Về phía hiệp hội doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - cho biết, không khí sản xuất tất bật chuẩn bị Tết tại các nhà máy đang được tiến hành rất tốt, đầy khí thế. Dự báo sức tiêu thụ giảm nhưng các DN vẫn sản xuất, dự trữ cung ứng cho thị trường dịp Tết.
Khẳng định chuẩn bị tâm thế phục vụ cho giai đoạn mới, năm mới, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op cho biết, hiện nay Sài Gòn Co.op đang chuẩn bị trước, trong và sau Tết khoảng 6.000 tỷ đồng. Về tổng dung lượng hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, những sản phẩm thiết yếu cho người dân có một cái Tết thực sự đủ đầy, không thiếu thốn trong dịp Tết. Hàng hoá cũng không tăng giá.
Hệ thống siêu thị Co.opmart đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần |
Riêng mặt hàng thịt, thực phẩm tươi sống và chế biến các loại, ông Phạm Văn Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan tại buổi tọa đàm cũng khẳng định: “Chúng tôi cam kết trước, trong và sau Tết bình ổn giá thị trường. Đồng thời sẽ cung ứng hàng đầy đủ đến tay người tiêu dùng qua tất cả các hệ thống phân phối, trong đó có hệ thống siêu thị Co.opmart, nhất là nguồn hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến.
“Ngày 28 và 29 Tết, Vissan có những chương trình khuyến mãi giảm giá sâu để người tiêu dùng chưa có điều kiện mua sắm Tết đến hệ thống siêu thị Co.opmart, hệ thống cửa hàng Vissan mua sắm những món hàng thiết yếu trong ngày Tết với giá cả bình ổn và chất lượng đảm bảo”- ông Phạm Văn Dũng chia sẻ thêm.
TP. Hồ Chí Minh có quy định khi biến động thị trường trên 10% thì các DN bình ổn được điều chỉnh thị trường bình ổn. Tuy nhiên, các DN cung ứng khẳng định giữ nguyên giá. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự đồng hành, sẻ chia của các DN để mang đến một cái Tết đủ đầy, ấm áp cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến rất phức tạp.