Doanh nghiệp tăng cường liên kết
Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp logistics, thương mại để nâng cao năng lực cạnh tranh |
Theo ông Nguyễn Tương, hiện toàn ngành logistics có khoảng 1.300 DN đang hoạt động mạnh mẽ, chiếm thị phần khoảng 30%. Phần lớn DN Việt đang đảm nhiệm chức năng của đại lý cấp 2 và 3 cho các công ty logistics nước ngoài với các dịch vụ giao nhận, vận tải, lưu kho bãi, xếp dỡ, phân phối… Số lượng DN logistics có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ có khoảng 30 DN, nhưng chiếm đến trên 70% thị phần.
Ông Nguyễn Tương phân tích, hiện nay, 90% các DN xuất nhập khẩu Việt Nam đang xuất khẩu bằng hình thức FOB (người mua trả tiền phí tàu) và nhập khẩu bằng CIF (người bán trả tiền phí tàu) nên người chỉ định các dịch vụ logistics là bạn hàng ở nước ngoài. Thông thường, họ sẽ sử dụng dịch vụ của các DN logistics nước ngoài hoặc DN FDI. Các DN này sẽ thực hiện những khâu mang lại giá trị lớn như tàu biển, hàng không… và thuê lại DN Việt Nam những khâu mang lại giá trị thấp hơn như vận tải đường bộ nội địa, giám định hàng hóa, làm thủ tục hải quan…
Bên cạnh đó, các DN logistics và DN sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện đang thiếu sự gắn kết. Do vậy, khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics, các DN xuất nhập khẩu, thương mại thường sử dụng dịch vụ của các DN nước ngoài, DN FDI hoặc tự mình thực hiện các dịch vụ này. Nguyên nhân bởi các dịch vụ logistics của DN Việt chưa tốt, giá thành cao, thời gian thực hiện dịch vụ dài… Các DN logistics Việt Nam cũng chưa có ý thức liên kết để tạo thành chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh với chất lượng cao hơn.
Theo VLA, hiện mỗi năm chi phí logistics (bao gồm vận tải, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan…) ở Việt Nam có giá trị tương đương 21-25% GDP, vào khoảng 37- 40 tỷ USD. |
Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng biển tăng lên nhanh chóng, thị trường dịch vụ logistics dự báo sẽ sôi động và là mảnh đất màu mỡ cho các DN logistics Việt Nam.
Tuy nhiên, để có đủ sức cạnh tranh, Phó Tổng thư ký VLA cho rằng, cần tăng tính liên kết giữa các DN logistics với nhau và DN logistics với các DN sản xuất, xuất nhập khẩu trong việc sử dụng dịch vụ “thuần Việt”. Các DN làm dịch vụ logistics cũng phải tự vươn lên, nâng cao chất lượng dịch vụ và giá cả. Trong bối cảnh 67% hội viên VLA là các DN nhỏ và vừa, cần liên kết, xây dựng những chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh để giảm giá thành; DN mạnh về lĩnh vực nào thì tập trung phát triển chất lượng dịch vụ đó, tránh đầu tư dàn trải. “Trong bối cảnh hiện nay, chất lượng dịch vụ chính là yếu tố sống còn” – ông Tương nhấn mạnh.
Ông Tương chia sẻ thêm, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam được Thủ tướng ký ban hành tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 được coi là hành động thiết thực và kịp thời của Chính phủ nhằm xây dựng hành lang pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN logistics Việt Nam. VLA đang phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp như: Hỗ trợ DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vận động DN đầu tư vào các trung tâm logistics… Đặc biệt, xây dựng thị trường cho ngành logistics bằng cách tăng cường liên kết giữa các DN logistics và DN thương mại để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành logistics đạt 5%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 40%.