Doanh nghiệp logistics: Yếu tố lao động giá rẻ trở nên thứ yếu
Hết thời "lao động giá rẻ"
Đây là thông tin vừa được bà Nguyễn Quyên – Giám đốc CEL Consulting - chia sẻ trong nghiên cứu về nhóm thị trường kinh tế mới nổi từ góc nhìn quản trị cung ứng.
Theo đó, lãnh đạo cấp cao của hơn 500 công ty logistics trên thế giới tỏ ra lạc quan và chia sẻ quan điểm của IMF rằng từ năm 2018 trở đi sẽ là năm các thị trường mới nổi tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
65,1% trong số họ nói dự báo của IMF rằng các thị trường mới nổi sẽ đạt mức tăng trưởng chung 4,8% là “có thể đúng”. Các DN vừa và nhỏ - tức là những DN có ít hơn 250 nhân viên - sẽ là những DN hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng của các thị trường mới nổi.
Về thị trường, đến nay, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là những điểm đến đầu tư hàng đầu của ngành logistics. Việt Nam dẫn đầu nhóm thứ hai bao gồm các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Brazil và Indonesia. Các quốc gia ngày càng thu hút sự quan tâm đầu tư từ ngành này gồm Nam Phi, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Thái Lan, Myanmar, Kenya, Ai Cập và Bangladesh. Các nước thu hút ít sự quan tâm đầu tư từ ngành logistics là Brazil, Nga, Ả Rập Xê Út, Mexico và Nigeria.
Theo đánh giá của CEL Consulting, các DN logistics đánh giá rủi ro trong ngành chuỗi cung ứng là khác nhau theo vùng. Ở châu Á - Thái Bình Dương, mối quan ngại hàng đầu đối với nhà đầu tư logistics là những cú sốc kinh tế; tại Mỹ Latinh là tham nhũng. Tại Trung Đông và Bắc Phi, khủng bố là mối quan ngại hàng đầu trong khi khu vực châu Phi cận Sahara là cơ sở hạ tầng nghèo nàn.
Nhìn chung, tham nhũng và cơ sở hạ tầng nghèo nàn là những mối quan ngại hàng đầu của các nhà quản trị logistics khi tiến hành kinh doanh tại các thị trường mới nổi. Lao động giá rẻ tiếp tục không còn là một yếu tố chính trong cách các chuyên gia logistics nhìn nhận, đánh giá các thị trường mới nổi.
“Tăng trưởng kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, giá trị thương mại, vị trí và cơ sở hạ tầng giao thông là những ‘chìa khóa’ để làm cho một quốc gia trở thành một thị trường mới nổi quan trọng hơn yếu tố lao động giá rẻ” – bà Quyên cho biết.
Logistics tăng 10%, lượng hàng nhập khẩu song phương sẽ tăng 70%
Theo đại diện CEL Consulting, quản lý chuỗi cung ứng không còn phụ thuộc vào công nghệ DN đang sở hữu, mà là về nền kinh tế nơi DN đang hoạt động.
“Gần đây, các mô hình kinh doanh mới đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng hướng đến khách hàng, dẫn đến xu hướng sử dụng các trung tâm phân phối nhỏ đặt gần khách hàng. Ngành dệt may đang phải đối mặt với số phận tương tự khi các nền kinh tế mới nổi đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ các thương hiệu lớn trong ngành nhờ lợi thế về chi phí và vị trí chiến lược của họ. Logistics và vận chuyển hàng hóa là ‘trụ cột’ của thương mại quốc tế và hiệu quả hoạt động của hai ngành này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như luật pháp của đất nước, hiệu quả và công nghệ vận chuyển - giao nhận, và các thỏa thuận thương mại quốc tế”- bà Quyên phân tích.
Về hiệu quả vận hành trong ngành logistics, đánh giá của CEL Consulting cho thấy, nếu nhìn vào chuỗi cung ứng hoàn chỉnh ngành dệt may, có thể tìm thấy các rào cản thương mại ở nhiều giai đoạn. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics có tác động trực tiếp đến việc chậm trễ trong vận chuyển - giao nhận hàng hóa, do đó làm cho chúng trở thành một yếu tố chi phí nổi bật.
Ngoài ra, các yếu tố chi phí khác như tính xuyên biên giới không thể đoán trước, hạn chế tiếp cận thị trường, tính tham nhũng của hệ thống, và những phức tạp tùy chỉnh và tuân thủ ảnh hưởng đến hiệu quả chuỗi cung ứng.
“Những hạn chế này càng trở nên có vấn đề hơn trong ngành dệt may, vì thời trang ‘ăn liền’ đã và đang rút ngắn thời gian từ lúc thiết kế sản phẩm đến lúc sản xuất thực tế. Do đó, việc cải thiện hiệu quả hoạt động logistics của một nhà xuất khẩu/nhà sản xuất hàng may mặc có thể tăng đáng kể lợi nhuận kinh doanh. Một nghiên cứu của OECD đã thực sự kết luận rằng nếu hiệu quả hoạt động logistics tăng 10%, thì lượng hàng nhập khẩu song phương sẽ tăng 70%”- đại diện CEL Consulting cho biết.