Doanh nghiệp châu Âu: Mong sớm phê chuẩn EVFTA
Kết nối hai nền kinh tế
Ông Nicolas Audier cho biết, EuroCham đã tổ chức 2 phiên điều trần vào cuối năm 2018 với Hội đồng châu Âu để chia sẻ về những hành động tích cực của Việt Nam chuẩn bị cho quá trình thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với hàng chất lượng cao từ châu Âu |
Theo vị đồng chủ tịch EuroCham, trong ba thập kỷ qua, Chính phủ đã thành công trong việc chuyển đổi Việt Nam từ một trong những nước kém phát triển trên thế giới thành quốc gia có thu nhập trung bình, hiện đại, đang phát triển nhanh chóng. Ngày nay, Việt Nam có cơ hội - thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA - để bước lên tầm cao mới, cởi mở hơn, tiến đến vị thế dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới.
EVFTA cần sớm được phê chuẩn, sẽ mở ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp, người tiêu dùng ở cả châu Âu và Việt Nam. Nhờ các cam kết giảm thuế quan thương mại, doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn thị trường châu Âu với hơn 500 triệu dân có mức chi tiêu cao. Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu sẽ gia tăng, giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm châu Âu chất lượng cao.
Ông Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - nhận định, EU tiếp tục là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất đối với Việt Nam. Thương mại hai chiều gia tăng, đạt 56,3 tỷ USD, đặt EU đứng vị trí thứ 4 trong các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Về đầu tư, hiện EU có 139 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn lên tới hơn 1,06 tỷ USD. "Trong bối cảnh này, việc triển khai Hiệp định EVFTA sắp tới sẽ là bước quan trọng để tiếp tục kết nối hai nền kinh tế" - ông Bruno Angelet cho hay.
Cơ hội từ cuộc Cách mạng 4.0
Trong 30 năm qua, con đường phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc của Việt Nam chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Ông Denis Brunetti - đồng Chủ tịch EuroCham - chỉ ra rằng, sự phát triển kinh tế - xã hội và nguồn việc làm trong tương lai chủ yếu sẽ đến từ nền kinh tế kỹ thuật số với nhu cầu nhân lực công nghệ cao, khi tất cả các ngành công nghiệp sẽ được số hóa.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thông qua quá trình số hóa diễn ra ở các ngành nghề sẽ nâng cao vị thế, giúp Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, đổi mới hơn và chuẩn bị tốt hơn trong việc nắm bắt cơ hội tiềm năng. Trong khi đó, EVFTA - khi được phê chuẩn và triển khai sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư EU vào Việt Nam, giúp người tiêu dùng tiếp cận tốt hơn với đa dạng hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao từ châu Âu.
Tuy nhiên, để phát triển kinh tế số, ông Bruno Angelet cho rằng, có 3 điều kiện cần phải thực hiện: Cơ sở hạ tầng sẵn có, bảo mật an ninh, bảo đảm niềm tin của người dân với nền kinh tế số. Vì thế, Việt Nam cần chú trọng tìm hiểu, để bảo đảm nền kinh tế cởi mở nhưng vẫn cạnh tranh lành mạnh. "Các doanh nghiệp châu Âu là đối tác đáng tin cậy và bền vững, luôn cam kết sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tận dụng triệt để cơ hội mà làn sóng đổi mới kỹ thuật số toàn diện, bền vững sẽ mang lại" - ông Denis Brunetti khẳng định.
Theo ông Nicolas Audier, các kiến nghị của Eurocham trong Sách Trắng 2019 nếu được xem xét tháo gỡ, sẽ giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng và phát triển. Các kiến nghị này còn góp phần cải thiện khung pháp lý và môi trường kinh doanh của Việt Nam. |