Điều chỉnh lương cho người nghỉ hưu nhằm bảo đảm an sinh xã hội
Giảm bớt lo toan cho người già
Hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Tuy nhiên, trong số này chưa tới 500 người nhận mức từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Người nhận lương hưu cao nhất ở TP. Hồ Chí Minh hơn 124 triệu đồng/tháng.
Những trường hợp nhận lương hưu cao đều làm trong doanh nghiệp khối tư nhân, với thời gian đóng dài, mức đóng cao. Còn đa số người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước trung bình dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Người thấp nhất 1,8 triệu đồng/tháng.
Điều chỉnh lương cho người nghỉ hưu nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: Bằng Lăng |
Từ ngày 1/7/2024, thực hiện điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức điều chỉnh cao gấp 2 lần mức điều chỉnh tăng bình quân của giai đoạn 2013-2023. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của Chính phủ trong việc cân đối nguồn lực cải thiện, đảm bảo đời sống của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Khuê - quê ở Nam Định - cho biết: Trước đây bà làm công nhân Nhà máy dệt Nam Định. Đầu năm 2002 bà nghỉ hưu. Sau nhiều lần tăng, mức lương hưu của bà được nhận trước ngày 1/7/2024 hơn 4,9 triệu đồng/tháng. “Chồng tôi không có lương hưu nên với khoản lương chưa đến 5 triệu đồng/tháng gia đình cũng phải chia ra những khoản nhỏ, một phần để phòng cho sức khỏe; một phần chi cho đám hiếu, hỉ, thăm người ốm...; phần còn lại lo chi tiêu hàng ngày của hai vợ chồng vừa đủ. Tôi rất mừng khi Chính phủ điều chỉnh tăng thêm 15% tiền lương hưu. Số tiền dư ra trong lần tăng mới này giúp gia đình chi tiêu rộng rãi hơn”, bà Khuê chia sẻ.
Nhiều người nghỉ hưu có cùng tâm tư như bà Khuê, dù mức tăng không nhiều song với không ít người hưởng lương hưu, đây là một khoản bù đắp để họ có thể trang trải thêm phần nào chi phí sinh hoạt, bớt lo toan của tuổi già khi khoản lương hưu còn thấp so với mặt bằng thu nhập xã hội.
Thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa các thời kỳ
Theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Trong 10 năm (2013-2023), Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương hưu, với mức điều chỉnh tăng bình quân hơn 8,43% mỗi lần điều chỉnh, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong cùng giai đoạn.
Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung: “Lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ Bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước”.
Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP quy định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, theo đó, từ ngày 1/7/2024, thực hiện điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2024 với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
"Mức điều chỉnh này cao gấp 2 lần mức điều chỉnh tăng bình quân của giai đoạn 2013-2023. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của Chính phủ trong việc cân đối nguồn lực cải thiện, đảm bảo đời sống của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định.
Qua thống kê, số người được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp trong đợt mới này khoảng 3,373 triệu người và có 300.000 người tiếp tục được điều chỉnh tăng theo số tiền tuyệt đối sau khi đã tăng mức chung 15%.
Ngoài lương hưu hàng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95%.
Đáng nói, ngoài điều chỉnh lương hưu theo nguyên tắc chung, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng cũng tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định của pháp luật, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở mức tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội và thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi còn làm việc.
Để cải thiện lương hưu cho những người có mức hưởng thấp, tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7 năm sau cũng đã quy định thêm việc điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng, đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995. Đây là chính sách nhằm bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu, giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ khi thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 28-NQ/TW. |