Điện Biên xây dựng nông thôn mới - Những thành công bước đầu
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên |
Ông Lò Quang Chiêu- Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Điện Biên- cho biết: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2015 các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, đoàn thể quần chúng từ tỉnh, huyện đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động như: Tuyên truyền vận động, thành lập ban chỉ đạo các cấp, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện... Đề án xây dựng NTM đã được triển khai tại 116/116 xã, thuộc 10 huyện, thị, thành phố. Trong giai đoạn này, nguồn lực huy động thực hiện chương trình là 7.697.468 triệu đồng.
Điểm sáng nhất của tỉnh Điện Biên trong phong trào xây dựng NTM là tháng 11/2015, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cơ bản đạt được 19/19 tiêu chí theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Đến nay, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh đã tạo nên diện mạo mới cho vùng đất này. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của Thanh Chăn tăng gấp ba lần từ 6,9 triệu đồng/người/năm năm 2009, tăng lên 18,3 triệu đồng/người/năm năm 2015, đã tạo nên điểm nhấn khích lệ cho các địa phương khác trong tinh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 1/116 xã, chiếm 0,86%; số xã đạt từ 10- 14 tiêu chí là 8/116 xã, chiếm 6,89%, tăng 8 xã so với năm 2011; số xã đạt từ 5- 9 tiêu chí là 38/116 xã, chiếm 32,7% tăng 37 xã so với năm 2011...Nhìn chung, việc triển khai xây dựng NTM đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Nhân dân dần xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng NTM nên đã chủ động tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh- sạch- đẹp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thái- Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ - cho rằng, tồn tại lớn nhất của chương trình là tiến độ thực hiện các nội dung xây dựng NTM còn chậm. Cơ sở hạ tầng của các xã (đặc biệt là đường giao thông) dù được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được theo yêu cầu phát triển. Việc triển khai tổ chức thực hiện chương trình còn lúng túng. Trình độ năng lực cán bộ cấp xã, nhất là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, còn nhiều hạn chế. Nguồn lực thực hiện xây dựng NTM chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn lực huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để xây dựng NTM còn thấp.
Nguyên nhân của tình trạng trên do Điện Biên là tỉnh miền núi, xa trung tâm kinh tế lớn, xuất phát điểm kinh tế thấp. Tỷ lệ hộ đói nghèo bình quân khu vực nông thôn vẫn còn ở mức cao (33,5%); đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại, lũ lụt thường xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về vai trò của Chương trình xây dựng NTM còn nhiều hạn chế...
Điểm sáng nhất của tỉnh Điện Biên trong phong trào xây dựng NTM là tháng 11/2015, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cơ bản đạt được 19/19 tiêu chí theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. |