Điện Biên: Sản xuất công nghiệp khởi sắc đầu năm
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh
Theo Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2024 của tỉnh ước tính tăng 17,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 36,53%; sản xuất và phân phối điện giảm 17,46%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,58% và ngành khai khoáng giảm giảm 3,28%.
Chỉ số sản xuất tháng 1/2024 của một số ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất tăng 123,07%; sản xuất giường, tủ bàn ghế tăng 77,85%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 64,46%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 49,57%; dệt tăng 35,95%; sản xuất trang phục tăng 33,88%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 27,19%; sản xuất đồ uống tăng 26,13%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ gường, tủ, bàn, ghế) tăng 29,81%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 13,38%...
Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm sâu so cùng kỳ năm trước: Khai thác than cứng và than non tạm ngừng sản xuất không có sản phẩm; khai khoáng quặng kim loại giảm 39,46%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 33,33%; sản xuất điện giảm 17,46%.
Điện Biên: Sản xuất công nghiệp khởi sắc đầu năm. Ảnh minh họa |
Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng 1 tăng cao so cùng kỳ năm trước: Xi măng Portland đen tăng 50,15%; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc trụ cột chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm tăng 29,74%; điện mặt trời áp mái tăng tăng 27,44%; giường bằng gỗ các loại tăng 18,75%; điện thương phẩm tăng 13,54%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 14,86%...
Theo Cục Thống kê tỉnh, tháng 1/2024 là giai đoạn có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất của Điện Biên trong 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu là do chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 36,53% (một số mặt hàng lương thực thực phẩm như miến, bún, bánh đa khô, thịt lợn, trâu bò sấy khô...; các cản phẩm rượu trắng có thương hiệu nổi tiếng của tỉnh như rượu Nàng Ban, rượu 27... tăng cao; sản phẩm xi măng Điện Biên, các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng cao để đáp ứng nhu cầu của ngành xây dựng).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/1/2024 giảm 0,49% so với tháng trước và giảm 6,31% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước ổn định và giảm 0,66%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,82% và giảm 9,88%.
Bám sát, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo đại diện Sở Công Thương Điện Biên, ngay từ cuối năm 2023 tình hình đơn hàng, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp có khởi sắc hơn cùng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, lãi suất tín dụng… bắt đầu thấm vào nền kinh tế. Do vậy, năm 2024 Điện Biên đặt mục tiêu cao hơn cho ngành công nghiệp, cụ thể, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.680 tỷ đồng tăng 6,74% so với ước thực hiện năm 2023.
Trong đó, công nghiệp khai thác mỏ phấn đấu đạt 160 tỷ đồng, tăng 7,41%; công nghiệp chế biến phấn đấu đạt 2.888 tỷ đồng, tăng 5,5%; công nghiệp sản xuất phân phối điện phấn đấu đạt 560 tỷ đồng, tăng 15,2%; công nghiệp cung cấp nước và xử lý rác thải phấn đấu đạt 72 tỷ đồng, bằng 95,87% so với ước thực hiện năm 2023. Phấn đấu đến hết năm 2024 tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 94%; tỷ lệ tiết kiệm điện năng trên tổng nhu cầu tiêu thụ điện đạt 3%.
Để đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Cụ thể, hoàn thành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hỗn hợp huyện Mường Ảng. Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút các nguồn đầu tư vào cụm công nghiệp.
Thực hiện công tác về quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp. Đôn đốc triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành Công Thương, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở trong hoạt dộng sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực của ngành nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Triển khai có hiệu quả chính sách khuyến công, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh nắm bắt và tiếp cận được chương trình khuyến công. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến công, tập trung ưu tiên tập trung hỗ trợ vào ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp địa phương nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các mục tiêu chương trình mỗi xã một sản phẩm; các chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với công nghiệp chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và có khả năng cạnh tranh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh.
Xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công, đề án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2025, đề án về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2025 trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Tăng cường hoạt động tìm kiếm và thực hiện các dự án dịch vụ tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát các công trình công nghiệp, dân dụng, thương mại trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Riêng trong lĩnh vực điện, ngành Công Thương Điện Biên tiếp tục duy trì hoạt động vận hành khai thác ổn định có hiệu quả 18 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thủy điện từ năm trước chưa hoàn thành chuyển sang như Phi Lĩnh, Mường Mươn, Mường Tùng, Nậm Núa 2... và các dự án khởi công xây dựng mới trong năm; hoàn thiện các thủ tục, dự án đầu tư để khởi công xây dựng các nhà máy thủy điện đã được cấp chủ trương; thực hiện đầu tư các dự án năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện sinh khối...
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ quá trình nghiên cứu khảo sát chủ trương đầu tư, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành khai thác các dự án nguồn điện trên địa bàn đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Phối hợp với các sở, ngành, địa phương để giải quyết công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng bị ảnh hưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; rút ngắn thời gian thẩm định dự án trong quá trình thẩm định thiết kế, tổng dự toán... các công trình nguồn và lưới điện đảm bảo đúng quy định pháp luật.