Điện Biên: Cần khai thác hiệu quả và xứng tầm giá trị các lợi thế, tiềm năng du lịch
Trên lợi thế và tiềm năng, những năm qua, du lịch Điện Biên đã có bước phát triển đột phá. Lượng khách du lịch đến với Điện Biên ngày càng tăng, từ 480 nghìn lượt khách năm 2016 lên đến lần đầu đạt mốc đón 1 triệu lượt khách năm 2023. Cụ thể, doanh thu du lịch cũng tăng trưởng đều, đạt 1.700 tỷ đồng năm 2023. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của Điện Biên vẫn chưa được khai thác hiệu quả và xứng tầm giá trị.
Điện Biên không chỉ nổi tiếng với chiến thắng lịch sử mà còn là một địa danh du lịch hấp dẫn với vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo. Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên |
Theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Điện Biên tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, dịch vụ du lịch, nơi vui chơi, giải trí, văn hóa... phục vụ du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, bảo đảm tính bền vững môi trường và phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo nên “đòn bẩy” quan trọng giúp Điện Biên trở thành điểm đến thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Điện Biên và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức vào sáng ngày 17/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành du lịch có chuyển biến tích cực; các chương trình, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: TITC |
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 850.000 tỷ đồng, phục hồi hoàn toàn như trước dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. "Chính phủ kỳ vọng du lịch Điện Biên nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ có những bước đi thần tốc trên cơ sở tôn vinh di sản - bảo tồn văn hóa - phát triển xanh, bền vững"- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.
Đối với tỉnh Điện Biên, với những tiềm năng, lợi thế to lớn, ngành du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cần thu hút, mời gọi những nhà đầu tư, nhà thiết kế, tư vấn, lập quy hoạch, sắp xếp những tài nguyên du lịch còn tản mạn, phát lộ vẻ đẹp tiềm ẩn, tạo ra sự hấp dẫn, khác biệt.
Đặc biệt, cùng với các giá trị văn hoá, tự nhiên, Chiến thắng Điện Biên Phủ là lợi thế rất lớn để quảng bá trên bản đồ du lịch thế giới bằng công nghệ số, chuyển đổi số… Bên cạnh đó, với nguồn lực đầu tư còn hạn chế, Điện Biên cần tập trung đầu tư những công trình, dự án "ra tấm, ra món", phát triển trong sự tôn trọng, tôn vinh, bảo tồn giá trị văn hoá, tự nhiên.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Điện Biên cũng cần có những giải pháp hỗ trợ đồng bào các dân tộc nhận thức, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa được hình thành từ đời sống, sinh kế hàng ngày, không gian, kiến trúc, lễ hội, tín ngưỡng…. để làm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, nông nghiệp bền vững, đúng hướng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội thảo. Ảnh: TITC |
Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, Điện Biên cần tập trung nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động du lịch đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh… Khai thác các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, đặc biệt quan tâm loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm thực tế tại các bản làng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Điện Biên cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch thông qua các nền tảng số. Tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh; áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển du lịch, ban hành các chính sách đặc thù cho du lịch, huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch.
Nhằm góp phần triển khai Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cũng chỉ rõ, tỉnh Điện Biên cần quán triệt quan điểm phát triển du lịch bền vững; tập trung triển khai công tác phát triển quy hoạch; đẩy mạnh đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối TP. Điện Biên Phủ với các khu, điểm du lịch của tỉnh; khuyến khích đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn; phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường theo từng giai đoạn...
Ngành du lịch Điện Biên đã nhận được các ý kiến tư vấn, gợi mở, hiến kế của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo. Ảnh: TITC |
Ông Lò Văn Phương - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết, trong thời gian tới Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện tốt Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan; sớm ban hành Đề án chi tiết phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai tích hợp các quy hoạch phát triển du lịch vào Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tăng cường đầu tư, nâng cấp các công trình, dự án về du lịch, hệ thống hạ tầng du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trong lĩnh vực du lịch…