'Điểm mặt' những người nổi tiếng dính lùm xùm sao kê số tiền ủng hộ đồng bào
Hành vi ''thổi phồng'' số tiền ủng hộ đến từ những người nổi tiếng trẻ tuổi
Tối 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc đã bắt đầu đăng tải công khai bảng thống kê số tiền nhân dân đã ủng hộ qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank từ ngày 1-10/9 nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và thiên tai, lũ lụt.
Động thái này đã nhận về nhiều lời ca ngợi bởi tính công khai, minh bạch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc. Đáng chú ý, dữ liệu sao kê từ ngân hàng đã chỉ ra một số cá nhân được nhiều người quan tâm có hành vi chỉnh sửa hình ảnh chuyển khoản, ''thổi phồng'' số tiền không đúng như thực tế.
Điển hình, thông qua tham chiếu, đã có một tài khoản tên Phạm Như Phương chuyển khoản ủng hộ 500.000 đồng vào ngày 9/9. Giao dịch này có nội dung, mốc thời gian giống với ảnh chụp màn hình chuyển khoản đã được cựu vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương (sinh năm 2003) đăng tải trên trang cá nhân.
Trong hình Phạm Như Phương đăng tải, dù không công khai cụ thể số tiền nhưng cộng đồng mạng dễ dàng nhận thấy số tiền ủng hộ vào tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc lên đến hàng trăm triệu đồng. Trên thực tế, kết quả sao kê dưới tên Phạm Như Phương chỉ ở mức 500.000 đồng.
Cựu vận động viên thể dục dụng cụ từng khoác áo Đội tuyển Quốc gia có cách giải thích không thỏa đáng về kết quả sao kê số tiền ủng hộ đồng bào sau thiên tai. Ảnh: Chụp màn hình |
Sau khi nhận được phản ánh từ cộng đồng mạng, cựu vận động viên Phạm Như Phương đã đăng tải thêm nhiều hình ảnh, nội dung để giải thích nhưng những thông tin này vẫn mang tính chất mập mờ, không thỏa đáng. Cho đến nay, dù phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ quản lý của cựu vận động viên này để xác minh thông tin nhưng chưa nhận lại phản hồi.
Tiếp đến, Việt Anh ''Pí Po'' (sinh năm 1995), chủ kênh TikTok cùng tên có 1,3 triệu lượt theo dõi và 56 triệu lượt thích từng chia sẻ màn hình chuyển khoản ủng hộ 20 triệu cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vào sáng 10/9. Nhưng khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc công bố sao kê, cộng đồng mạng phát hiện ra số tiền thực sự là 1 triệu đồng.
Sáng 13/9, Việt Anh “Pí Po” đăng clip tường thuật lại sự việc và xin lỗi. Người này cho biết, mình đã nhờ một thành viên khác trong nhóm chuyển khoản hộ nhưng không kiểm tra biến động số dư. Hiện tại, Việt Anh đã giải quyết với người này và khẳng định mình là người sai. Anh chàng cũng đã chuyển khoản lại số tiền 20 triệu đồng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc.
Một TikToker nhiều người quan tâm nhận lỗi về hành vi "thổi phồng" số tiền ủng hộ. Ảnh: Chụp màn hình |
Sau sự việc, Việt Anh chia sẻ: ''Hành động xấu hổ này của mình đáng bị lên án và nhận được nhiều bài học cho bản thân. Mình xin lỗi vì hành động kệch cỡm và "phông bạt" này đã ảnh hưởng đến mọi người. Mình xin lắng nghe tất cả góp ý để hoàn thiện và sống đúng hơn. Người sai, lỗi sai tất cả là mình. Xin lỗi mọi người, dù rất khó nhưng mình vẫn mong sẽ có cơ hội để sửa sai, kiểm điểm bản thân. Xin lỗi mọi người thật nhiều''.
Bên cạnh một số cá nhân, việc “phông bạt” tiền ủng hộ còn đến từ những trang fanpage có nhiều lượt tương tác. Một trong những trường hợp gây chú ý là fanpage ủng hộ chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai (không phải fanpage chính thức của chương trình), có tên bắt đầu bằng ''Hội seeding'' với 46.000 người theo dõi.
Cụ thể, đơn vị này từng công bố số tiền ủng hộ là 20 triệu đồng nhưng sau khi minh bạch sao kê, cư dân mạng đã phát hiện ra số tiền được chuyển khoản là 200.000 đồng. Sáng sớm 13/9, trang chủ này đã giải thích và xin lỗi về hành vi “thổi phồng” số tiền ủng hộ hộ đồng bào, đồng thời cho biết việc này đến từ 1 quản trị viên trong nhóm. Người này đã chủ động thú nhận và cũng đã bị cắt quyền admin.
Kết quả sao kê cho thấy, nhiều tập thể đã đăng tải thông tin sai sự thật về số tiền ủng hộ. Ảnh: Chụp màn hình |
Đồng thời, đến ngày 15/9, cộng đồng mạng vẫn tiếp tục "điểm mặt, chỉ tên" và lên án thêm nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin chuyển khoản tiền ủng hộ không đúng với sao kê.
Chế tài xử lý việc sửa nội dung sao kê, chiếm đoạt tiền ủng hộ ra sao?
Trên thực tế, các hành vi cố ý ''thổi phồng'' số tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt đều có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Ths. Trần Minh Trang - giảng viên bộ môn Luật tại Trường Đại học Hồng Đức - chỉ ra rằng căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 4; Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, hành vi tiếp nhận tiền từ thiện, cứu trợ hỗ trợ, nhưng không thực hiện đúng cam kết, không trả lại số tiền đã tiếp nhận mà dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt có thể bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ Luật Hình sự.
Người phạm tội có thể bị phạt lên đến 20 năm tù tùy theo số tiền chiếm đoạt. Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, hành vi ''thổi phồng'' số tiền ủng hộ đồng bào thiên tai cũng được nhận định đáng bị chê trách tại ''tòa án lương tâm''. Bởi các cá nhân, tổ chức đã dựa vào sự quan tâm về hoạt động hỗ trợ khắc phục sau cơn bão số 3 của toàn dân Việt Nam, những đau thương, mất mát của người dân bị thiệt hại để “đánh bóng” tên tuổi, trục lợi.