Sáng 17/10, tại phiên khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày Báo cáo chính trị của Đại hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX Nguyễn Thị Thu Hà trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội. Ảnh: Quang Vinh |
Thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ IX
Trình bày báo cáo chính trị trước Đại hội, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, trong 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện qua việc hoàn thành thắng lợi 5 chương trình hành động được đề ra.
Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động lớn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì đã tạo ra sức mạnh tổng hợp trong xã hội, khơi dậy tinh thần thi đua, chung sức của cả cộng đồng.
Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc ứng phó với các thách thức lớn của đất nước. Nổi bật là việc huy động trên 2.000 tỷ đồng từ Quỹ Cứu trợ Trung ương để hỗ trợ các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3, cùng với đó là việc "sao kê" công khai, minh bạch nguồn ủng hộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Mặt trận cũng đã chủ động, sáng tạo trong việc kêu gọi, vận động nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, góp phần cùng cả nước vượt qua đại dịch.
Bên cạnh đó, Mặt trận đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, an sinh xã hội với nhiều sáng kiến như xây dựng nhà cho hộ nghèo tại Điện Biên và phong trào "xoá nhà tạm, nhà dột nát", thể hiện sự đổi mới trong phương thức hoạt động.
Song song với đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xoá nhà tạm, nhà dột nát”. Đến nay, đã thu được hơn 6.000 tỷ đồng để thực hiện quyết tâm chính trị, hoàn thành việc xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025…
Hướng đến kỷ nguyên phát triển mới
Trên cơ sở kế thừa và phát triển 5 chương trình hành động nhiệm kỳ trước, để tiếp tục đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, Đại hội đề ra 10 chỉ tiêu cụ thể, đồng thời, bổ sung 1 chương trình mới:
Chương trình 1: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc: Đổi mới mạnh mẽ, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Tạo điều kiện để người dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền và hiến kế xây dựng đất nước. Theo dõi, giám sát và đôn đốc việc xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Thí điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với những nơi có đủ điều kiện.
Chương trình 2: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước: Nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Thực hiện vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nòng cốt trong phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân; công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chương trình 3: Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua: Tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong đó tập trung cao điểm tuyên truyền, vận động, thực hiện thành công phong trào thi đua xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Tăng cường vận động các nguồn lực và cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua học tập, lao động sản xuất, kinh doanh; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trách nhiệm xã hội, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Chương trình 4: Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc: Đây là phương thức để tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức dân để chăm lo, bồi dưỡng cho dân. Khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết, gắn bó ở từng khu dân cư; tăng cường đồng thuận xã hội. Đề cao sự tự nguyện, tự giác, tự chủ của Nhân dân để tham gia giải quyết những vấn đề của chính địa bàn khu dân cư. Thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chăm lo giáo dục, đẩy mạnh học tập, khuyến học, khuyến tài, tham gia bảo vệ môi trường. Khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; giữ gìn bản sắc văn hóa, đẩy lùi tiêu cực, tội phạm và tệ nạn xã hội từ cơ sở.
Chương trình 5: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài: Tăng cường hoạt động giao lưu hữu nghị, diễn đàn đa phương, song phương; làm tốt công tác vận động, tập hợp, đoàn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đổi mới phương thức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài; vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trí thức, chuyên gia, doanh nhân tham gia góp ý, hiến kế xây dựng phát triển đất nước.
Chương trình 6: Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp: Đổi mới, đa dạng hoá nội dung, phương thức hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy. Nâng cao chất lượng, hoạt động thực chất của các Hội đồng tư vấn, chuyên gia, cộng tác viên. Triển khai thực hiện tốt Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhằm nâng cao năng lực, bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp; khả năng đoàn kết, quy tụ, tiếp cận nắm bắt và xử lý tình huống; gần dân, sát dân. Tiếp tục đề xuất hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong hệ thống Mặt trận.
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội kêu gọi cả nước phát huy truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tạo nền tảng vững chắc cho kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X là một dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, Đại hội góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước, đưa Việt Nam vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới.