Điểm mặt loạt vi phạm của Netflix ở Việt Nam và thế giới: Liệu có "nhờn luật"?
Liên tiếp sai phạm nội dung
Kể từ năm 2016, dịch vụ truyền hình trực tuyến /chu-de/netflix.topic của Mỹ có mặt tại thị trường Việt Nam. Đến tháng 10/2019, Netflix đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bằng việc thực hiện chuyển ngữ sang tiếng Việt toàn bộ phim chiếu trên hệ thống. Ngoài ra, Netflix “bắt tay” với các nhà sản xuất phim trong nước đẩy một lượng lớn phim Việt lên hệ thống, phục vụ khán giả. Tuy nhiên, nền tảng này liên tiếp vi phạm pháp luật.
Điển hình, tháng 7/2020,trên Netflix, bộ phim “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” (Put Your Head On My Shoulde) và tháng 8/2020, bộ phim “Bà Ngoại trưởng” (Madam Secretary) đã xuất hiện hình ảnh bản đồ có hình đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông. Ngay sau đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ các bộ phim vi phạm trên ứng dụng này.
Tiếp đó, năm 2021, Netflix đã buộc phải gỡ bỏ bộ phim “Pine Gap” do có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Cụ thể, hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2 và phút 52 của tập 3 của phim. Mới nhất, ngày 6/7/2022, Netflix lại bị “tuýt còi” phải gỡ phim Ba chị em (Little Women) vì xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Netflix liên tiếp vi phạm pháp luật |
Để xuất hiện các thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo cũng như xuyên tạc lịch sử Việt Nam Việt Nam qua các bộ phim, Netflix đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, nền tảng này đã làm tổn thương tình cảm và gây phẫn nộ đối với toàn thể nhân dân Việt Nam.
Sau các vụ vi phạm liên tiếp của Netflix, nhiều câu hỏi được đặt ra đó là phải sớm có sự quản lý chế tài mạnh để không xảy ra những sai phạm trên nền tảng này. Bởi, những sai phạm của Netflix chủ yếu là sau khi công chúng phản ứng thì cơ quan chức năng mới có động thái xử lý.
Ý kiến về vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành từng chia sẻ, trong quá trình soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), phổ biến phim trên không gian mạng là nội dung có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, Luật nghiêng về phương án “hậu kiểm” để đảm bảo tính khả thi, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có nhiều ý kiến đề nghị theo phương án “tiền kiểm”. Song theo ông, dù “tiền kiểm” hay “hậu kiểm” mục đích chính hướng đến vẫn là nhằm siết chặt quản lý nội dung phim trên không gian mạng, không để xảy ra sai phạm.
Lách khung pháp lý
Trong lĩnh vực truyền hình, nhà nước cho phép các doanh nghiệp nước ngoài liên doanh, liên kết với đơn vị trong nước kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền, nhưng phải đăng ký kinh doanh hợp pháp, có đóng thuế và tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, Netflix được coi là đế chế cung cấp nội dung phim ảnh, video, truyền hình Internet cực lớn ở Mỹ cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam, thu phí bằng tiền Việt Nam khi chưa đăng ký kinh doanh do là doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng internet và không đặt chi nhánh công ty tại Việt Nam.
Năm 2020, trả lời chất vấn đại biểu quốc hội về việc một số doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền than phiền: Các kênh truyền hình trả tiền trong nước kiểm soát nội dung rất chặt chẽ, các quy định về đóng thuế, phí cũng rất chặt chẽ. Nhưng các kênh truyền hình trả tiền nước ngoài dường như đang "thả lỏng" về nội dung cũng như việc đóng các khoản thuế, phí?
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã cho biết, hiện Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 14 triệu thuê bao, doanh thu khoảng 9.000 tỉ đồng/năm. Còn tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV (Trung Quốc) đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính gần 1.000 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trong nước cơ bản phải tuân thủ quy định về cấp phép, biên tập nội dung, nộp phí đóng thuế. Quý I/2020 giảm khoảng 1 triệu thuê bao truyền hình truyền thống. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chưa phải thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam và năm 2020 tăng trưởng mạnh. Riêng thuê bao của Netflix quý I/2020 tại Việt Nam tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, luật pháp, trong khi một số nền tảng xuyên biên giới không nộp thuế, không tuân thủ luật pháp Việt Nam là cạnh tranh không cân bằng.
Các nước gia tăng chế tài như thế nào đối với Netflix?
Netflix là dịch vụ giải trí phát trực tuyến hàng đầu thế giới với 214 triệu thành viên trả phí tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và không riêng tại Việt Nam, Netflix đang gây ra cuộc tranh cãi lớn khi hoạt động trái phép tại nhiều quốc gia.
Tại Pháp, Netflix đã “lách” được quy định về tỉ lệ nội dung được sản xuất trong nước đối với các kênh truyền hình và phát thanh bằng cách hoạt động tại Pháp thông qua công ty con Netflix International BV có trụ sở ở Hà Lan, vốn cùng thuộc Liên minh châu Âu (EU) với Pháp. Tuy nhiên, chính vì điều này mà Netflix cũng gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ giới sản xuất phim và ngành truyền hình tại Pháp.
Không chỉ “gây chiến” về mặt quản lý tại nhiều quốc gia, Netflix còn tạo ra những tiền lệ khó xử liên quan đến yếu tố tài chính. Theo luật của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ RBI, các giao dịch mua sản phẩm hoặc dịch vụ của nước ngoài bằng thẻ tín dụng Ấn Độ buộc phải sử dụng chế độ xác thực 2 yếu tố (2FA) để bảo mật thông tin, cũng như phải được xử lý giao dịch thông qua một ngân hàng Ấn Độ. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, hệ thống thanh toán trực tuyến của Netflix lại không hề dùng 2FA và đang được xử lý giao dịch tại Hà Lan hoặc Singapore.
Netflix cũng từng bị liệt vào danh sách cùng với "ông lớn" trong làng công nghệ như Google, Facebook, Amazon… hưởng lợi lớn từ hệ thống thuế “không công bằng”. Ngay tại Anh, một cuộc điều tra của tờ Sunday Times cho thấy, chi nhánh Netflix tại đây đã không hề đóng một đồng thuế doanh nghiệp nào trong năm 2014. Để né thuế tại Anh, Netflix đã sử dụng thủ thuật chuyển hết lợi nhuận sang Netflix International BV đặt tại Hà Lan, vốn là một trong những “thiên đường thuế” hàng đầu châu Âu. Do đó, trong khi chi nhánh Netflix tại Anh báo cáo thua lỗ thì Netflix International BV lại lãi tới 16,4 triệu USD trong năm 2014.
Riêng Canada, Netflix còn bị tố cáo là nguyên nhân đe dọa sự phát triển và tồn tại của ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng và nền văn hóa nói chung. Theo một bài phân tích của tờ Toronto Star (Canada), Luật Phát thanh Truyền hình Canada quy định các hãng phát thanh truyền hình phải đầu tư một phần doanh thu của họ vào việc sản xuất các nội dung tại Canada. Tuy nhiên, công nghệ giải trí trên nền tảng số mà các "ông lớn" như Netflix đã mang lại thách thức lớn đối với nguyên tắc trao đổi căn bản trên đây. Hàng tỷ USD doanh thu từ các chương trình giải trí trên hạ tầng của Netflix bán cho người Canada có thể chảy thẳng vào túi các nhà phát hành nước ngoài mà không đóng góp một đồng đầu tư nào cho nền công nghiệp điện ảnh, giải trí Canada.
Vì thế. Chính phủ Canada đã đề xuất lên Hạ viện một cơ chế thuế mới, dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2021, nhắm vào các công ty hoạt động trên nền tảng số như Netflix, Google hay Amazon. Theo đó, các công ty này có trách nhiệm nộp thuế cho mọi giao dịch phát sinh đối với người dân bản xứ, từ phí thuê bao truyền hình, phí tải các bản nhạc đến các giao dịch mua hàng xuyên biên giới. Việc đánh thuế đầy đủ hơn với các doanh nghiệp này nhằm mục đích tạo một môi trường thuế công bằng và minh bạch hơn với mọi người dân, mọi doanh nghiệp hoạt động tại Canada.
Ở khu vực châu Á, cơ quan quản lý Malaysia cũng ra yêu cầu Netflix vẫn phải tuân theo các quy định về quản lý nội dung của Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) và MCMC sẵn sàng có biện pháp xử lý vi phạm đối với Netflix. Đồng thời, xem xét đưa ra một dự luật yêu cầu các dịch vụ như Netflix phải xin giấy phép nếu muốn hoạt động tại Malaysia. Tại thị trường Singapore, Netflix phải bắt tay với Singtel – nhà mạng lớn nhất Singapore để đủ điều kiện kinh doanh. Đầu năm 2018, cơ quan thuế của Singapore đã lên kế hoạch áp thuế hàng hóa và dịch vụ 7% với các dịch vụ trực tuyến như Spotify, Netflix hay Amazon Prime.
Tạo hành lang pháp lý bình đẳng
Nhìn từ các nước, việc sớm đưa Netflix vào luật hóa là hết sức cấp thiết. Theo đó, nền tảng này hoạt động ở Việt Nam buộc phải có trách nhiệm đóng thuế cho Việt Nam. Cụ thể, phải tạo ra hành lang pháp lý bình đẳng giữa dịch vụ trong nước và ngoài nước, trong cả hai lĩnh vực nội dung số và truyền hình trả tiền. Đây là cách duy nhất để nhà nước vừa thu được thuế từ các dịch vụ nước ngoài, vừa kiểm duyệt được nội dung.
Trước các vi phạm của Netflix, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới một cách chặt chẽ. Đồng thời, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính để gắn trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Ngày 1/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu. Với nghị định này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước sẽ được cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới…
Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, nội dung căn bản nhất của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet theo yêu cầu gồm cả doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép.
Như vậy, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ trên cùng mặt bằng pháp lý, bảo đảm sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời không bổ sung thêm thủ tục hành chính.
Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực thi thành từ ngày 1/1/2023. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sớm được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, trong thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn để phổ biến các quy định mới tại Nghị định đến các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan. |