Di cư và những tác động đến nền kinh tế - xã hội
Tác động tích cực và tiêu cực
Theo TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM, báo cáo nghiên cứu tập trung vào 5 nội dung chính, bao gồm: Tổng quan các vấn đề về giới trong di cư trong nước với tái cơ cấu nền kinh tế; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về di cư trong nước dưới góc độ giới; khái quát về di cư trong nước trong quá trình tái cơ cấu ở Việt Nam thời gian qua; vấn đề lao động, thu nhập và các vấn đề xã hội của lao động nhập cư trong nước trong tái cơ cấu kinh tế dưới góc độ giới ở Việt Nam; đề xuất các giải pháp lồng ghép yếu tố giới trong tái cơ cấu nền kinh tế đảm bảo quyền của phụ nữ di cư.
Phát biểu tại hội thảo, TS Hồ Công Hòa - Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) - cho biết: Dự án tiến hành khảo sát nghiên cứu tại 2 địa phương là Nghệ An và Bắc Ninh, trong đó Nghệ An là điển hình cho nơi đi, nơi xuất khẩu lao động và Bắc Ninh là điển hình trong nơi đến, nơi nhập khẩu lao động.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, di cư tạo ra những tác động tích cực và tiêu cực cho cả nơi đến và nơi đi. Trong đó, tác động tích cực đối với nơi đi là giải quyết được các vấn đề lao động dư thừa, giảm tỷ lệ thất nghiệp xóa đói giảm nghèo, đóng góp phát triển quê hương. Cùng với đó, tạo nguồn lao động có chất lượng khi họ trở về, bởi người di cư đi làm việc ở nơi khác sẽ học được các kỹ năng, nâng cao tay nghề và đặc biệt là kỹ năng mềm trong mọi lĩnh vực. Đối với nơi đến, hiện tượng di cư sẽ bù đắp được sự thiết hụt lao động có kỹ năng cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển dịch vụ bởi lao động nhập cư chi tiêu tại nơi đến kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ khác.
Về tác động tiêu cực, đối với nơi đi sẽ làm thiếu hụt lao động ở một số ngành, nghề, làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của nơi đi, tạo ra các hệ lụy xã hội. Đối với nơi đến, tình trạng di cư sẽ tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng: Điện, nước, giao thông, y tế, giáo dục và tài nguyên môi trường. Gánh nặng an sinh xã hội và phá vỡ các quy hoạch của địa phương.
Đặc biệt, báo cáo chỉ rõ, nguồn lao động di cư đi nơi khác cũng tạo ra những vấn đề xã hội nghiêm trọng, như gia đình thiếu vắng người mẹ, người bố, việc chăm sóc trẻ em phụ thuộc vào ông bà cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập và tâm lý trẻ em, làm tăng nguy cơ bị xâm hại tình dục ở trẻ em. Cùng với đó, việc chăm sóc người già ở nơi đi cũng là một vấn đề, do thiếu người chăm sóc lúc ốm đau, khiến người già trở nên cô đơn - ông Hồ Công Hòa thông tin thêm.
Hàm ý chính sách
Nghiên cứu cũng cho thấy, việc “nữ hóa” di cư nảy sinh nhiều vấn đề xã hội kèm theo, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Vấn đề nhà ở cho người di cư không chỉ đơn thuần là chỗ ăn, chỗ ngủ, mà đó còn là vấn đề tiếp cận các dịch vụ công, vấn đề an ninh, an toàn và đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp nhà ở và đáp ứng các điều kiện nêu trên cho người lao động do phải huy động nguồn lực đầu tư cho nhà máy, xí nghiệp. Việc huy động nguồn vốn lớn gặp khó khăn, cùng với việc thiếu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, khiến các doanh nghiệp, hoặc để công nhân thuê nhà trọ ở ngoài, hoặc chỉ xây dựng một phần nhà ở cho công nhân và tổ chức đưa đón hàng ngày. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách nhà ở công nhân hiện vẫn chưa hoàn thiện, và đang trở thành rào cản, cản trở việc doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ xây nhà cho công nhân.
Từ những yêu cầu trên, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần lồng ghép yếu tố giới nói chung, giới trong lao động trong di cư nói riêng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình. Trong đó, đối với các địa phương tiếp nhận nhiều lao động di cư, cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít lao động, đồng thời đẩy mạnh các phương án quy hoạch cơ sở hạ tầng cứng và mềm cho người lao động di cư. Đặc biệt, cần có các kế hoạch phân bổ nguồn thu có được nhờ phân bổ lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho người di cư để đảm bảo tính bền vững của phát triển. Cùng với đó, cần lồng ghép các yếu tố giới trong di cư vào quá trình đảm bảo tính bền vững của phát triển. Lồng ghép các yếu tố giới trong di cư vào quá trình lập chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm của các địa phương.
Đối với các địa phương có nhiều người xuất cư, nghiên cứu khuyến nghị cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, trước mắt cần chú trọng tạo lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mềm, bao gồm các cơ chế, chính sách và kế hoạch thực hiện hướng tới bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người già, người cô đơn và xây dựng tốt hành trang cho người di cư để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, về lâu dài, TS Hồ Công Hòa cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, năng suất lao động cao để cải thiện điều kiện kinh tế của địa phương, theo đó cải thiện tỷ lệ xuất siêu lao động của địa phương. Vì vậy, đi đôi với phát triển hạ tầng mềm, địa phương cũng cần có các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng cứng, phục vụ việc thu hút nhà đầu tư, giúp giảm thiểu tình trạng di cư tìm kiếm việc làm.