Đẩy nhanh mua bán nợ theo cơ chế thị trường
Giải quyết được tài sản nợ xấu, sẽ có nguồn lực lớn đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh |
Kết quả kinh doanh quý II/2017 vừa được các ngân hàng thương mại (NHTM) công bố cho thấy, số nợ xấu được “khoanh vùng” tương đối hiệu quả, hầu hết ở mức dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), tính từ khi hoạt động đến nay, tổng số nợ xấu VAMC mua về đạt xấp xỉ 290 nghìn tỷ đồng và đã xử lý gần 60 nghìn tỷ đồng trên tổng số nợ mua về. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng (TCTD) thu hồi được gần 8.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch dự tính.
Tuy nhiên, để giải quyết được căn bản số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay, rất cần sự đồng thuận và phối hợp thực hiện Nghị quyết 42 của các bộ, ngành, đặc biệt là sự triển khai mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng. Tại hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Đề án Cơ cấu lại quỹ tín dụng nhân dân gắn với xử lý nợ xấu trên địa bàn TP. Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hà Nội - cho biết: Nghị quyết 42 tạo thuận lợi cho ngành ngân hàng trong việc thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại lượng lớn tài sản bảo đảm chưa được xử lý; nếu khơi thông được nguồn vốn, giải quyết được tài sản ở nợ xấu này, sẽ có nguồn lực lớn đưa vào lưu thông, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, có điều kiện tốt để giảm lãi suất.
Đại diện các ngân hàng thương mại đều cho rằng, một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu vẫn đang tồn tại, cụ thể như Luật Đất đai hiện nay chỉ cho phép TCTD nhận bảo đảm quyền sử dụng đất, còn tài sản gắn liền trên đất thì chưa. Vì thế, để nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao, NHNN và các bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới các TCTD; sớm ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch VAMC, Nghị quyết 42 đã tháo gỡ về cơ bản những vướng mắc của VAMC trong khi thực hiện giải quyết nợ xấu, khẳng định quyền chủ nợ và tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho cả VAMC, TCTD trong xử lý nợ xấu. Quy định cho phép VAMC, TCTD được mua bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách sẽ giúp xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường và thu về số tiền bán được tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế. Dự kiến, trong thời gian tới, thị trường mua bán nợ sôi động hơn khi VAMC được bán các khoản nợ cho các đối tượng không phải là DN có chức năng mua bán nợ; chỉ cần có nhu cầu mua là VAMC được phép bán.
Được biết, theo kế hoạch, năm nay VAMC được giao mua bán nợ theo giá thị trường với tổng giá mua khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng công ty cố gắng thực hiện gấp 2 - 3 lần con số đó. Ông Đông cho hay, VAMC đã thành lập 4 tổ công tác xử lý nợ đánh giá, phân loại từng khoản nợ của TCTD để có phương án xử lý, tập trung phân tích các món lớn có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên. Trong số hơn 1 nghìn khoản nợ, các phòng, ban chức năng VAMC đã phân tích, phân loại chi tiết từng khoản nợ để nắm rõ thực trạng, giá trị tài sản bảo đảm, có hướng xử lý cho từng khách hàng.
Ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch VAMC: Sắp tới, VAMC phối hợp với các TCTD triển khai đầy đủ quyền của chủ nợ, xây dựng danh mục các khoản nợ dự kiến sẽ đề nghị tòa án áp dụng thủ tục rút gọn; xây dựng danh mục phối hợp với Tổng Cục thi hành án dân dự đẩy nhanh tiến độ thi hành án… |