Dấu ấn của những dự án khởi nghiệp đậm chất “xứ Quảng”
Những dự án khởi nghiệp đậm chất Quảng Nam
Thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hoạt động được UBND tỉnh Quảng Nam dành nhiều sự quan tâm và duy trì liên tục trong những năm gần đây đến hiện tại. Quảng Nam hiện thuộc nhóm đầu trong số các tỉnh thành triển khai chương trình khởi nghiệp sáng tạo của Chính phủ. Hàng trăm dự án khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã ra đời trong thời gian này. Đặc biệt, nhiều dự án nổi bật mang đậm nét văn hóa, khai thác được thế mạnh của Quảng Nam đã tạo dấu ấn không chỉ trong tỉnh, mà còn gây ấn tượng trong toàn quốc. “Hapinut – Sợi ngọc xứ Quảng” và “Cô gái Bh.Nong: Bỏ phố về rừng, mang hương rừng ra phố” là hai dự án nổi bật trong số đó.
Chị Võ Minh Nga và dự án “Cô gái Bh.Nong: Bỏ phố về rừng, mang hương rừng ra phố” vừa tạo cơ hội việc làm cho người địa phương, vừa đưa nông sản Quảng Nam vượt ra khỏi "làng" |
Theo chị Kiều Bảo Hân, chủ dự án “Hapinut – Sợi ngọc xứ Quảng”, cho biết các sản phẩm của dự án đều được sản xuất và phát triển thương hiệu trên hương vị, công thức truyền thống gia truyền, để nâng tầm giá trị đặc sản quê hương.
Sợi ngọc xứ Quảng là dự án sản xuất bún, mì quảng tươi - khô đóng gói dựa trên công thức gia truyền kết hợp cải tiến về công nghệ, quy trình sản xuất. Tham vọng của dự án sẽ đưa sản phẩm đậm chất ẩm thực Quảng Nam đến với người tiêu dùng toàn quốc và hướng tới xuất khẩu.
Còn với “Cô gái Bh.Nong: Bỏ phố về rừng, mang hương rừng ra phố", chị Võ Minh Nga - Founder dự án cho biết, đây là dự án chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu chính là gạo lứt lứt baton - nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Gạo lứt sau khi được chế biến sẽ cho ra các sản phẩm như Trà gạo lứt, Thanh cơm gạo lứt rong biển, Thanh cơm gạo lứt ngũ cốc, Gạo lứt sấy rong biển, Bột mầm gạo lứt mè đen, Bột mầm gạo lứt siêu hạt ngũ cốc, Bột mầm gạo lứt ngũ cốc hạt tiện lợi, Bún gạo lứt…mới mẻ. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo thêm việc làm cho người dân bản địa, tạo đầu ra cho nông sản địa phương.
Tại chương trình phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2021, 2 dự án đã xuất sắc lọt vào TOP 10, ghi dấu ấn trong cộng đồng khởi nghiệp toàn quốc.
Khích lệ tinh thần khởi nghiệp địa phương
Ngoài sự tự lực của các startup, những chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền, các đoàn, hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp thêm động lực để các dự án khởi nghiệp của tỉnh có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Chị Kiều Bảo Hân và các dự án của Hapinut đã tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam |
Ông Hoàng Công Đoàn, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Nam, cho biết, hội đang tiến hành kêu gọi chính sách hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, đồng thời hợp tác, giao lưu với các tỉnh thành khác để phát triển kinh tế vùng, tạo điều kiện cọ xát, kết nối cho các dự án khởi nghiệp của tỉnh thành.
“Hội khuyến khích các dự án ngày càng chú trọng đầu tư hơn vào phát triển công nghệ, chuyển đổi số để có thể nâng cao chất lượng sản xuất, phù hợp với mục tiêu phát triển hiện đại chung của cả nước", ông Đoàn nói.
Dành sự quan tâm đặc biệt cho các hoạt động khởi nghiệp, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành chỉ đạo về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, ngoài tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rộng rãi, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;…trên địa bàn tỉnh thiết thực, hiệu quả, phù hợp với định hướng của tỉnh; đồng thời phổ biến kiến thức về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng nhiều hình thức gắn với việc biểu dương các phong trào hỗ trợ khởi nghiệp, tấm gương khởi nghiệp... để góp phần nâng cao nhận thức và lan tỏa tinh thần, văn hóa khởi nghiệp.
Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phải có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn đến năm 2025; bố trí kinh phí để thực hiện; kết nối mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, mở rộng kết nối với các tỉnh thành trong cả nước. Hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp lồng ghép hiệu quả các chương trình khởi nghiệp với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương….