Đảm bảo gỗ hợp pháp theo Hiệp định VPA/FLEGT: Lợi ích cho nhiều bên, sao chậm triển khai?
Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã ký kết từ năm 2018, có hiệu lực từ năm 2019.
Tuy nhiên mới chỉ có 141 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được xếp loại Nhóm I trong tổng số hơn 1.200 doanh nghiệp phân loại, chỉ tương đương gần 12%.
Hiệp định hướng tới mục tiêu đảm bảo các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được sản xuất hợp pháp, góp phần cải thiện quản trị rừng, mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ bền vững.
Hiện Việt Nam nhiều khu vừng đã được cấp chứng chỉ FSC, nhưng với tỷ lệ gần 12% các doanh nghiệp tự phân loại, con số này quả thật quá nhỏ bé, trong khi lợi ích từ việc thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT không hề nhỏ.
Lợi ích này không chỉ cho các doanh nghiệp trồng rừng, chế biến, xuất khẩu gỗ mà còn của cả những người dân địa phương tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo tiêu chuẩn FSC, cùng với đó là uy tín, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
30 năm gắn bó với “rừng bền vững FSC”
Giờ đây người Chơ Ro ở Định Quán, Đồng Nai đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ tham gia trồng và bảo vệ, chăm sóc rừng theo tiêu chí FSC.
Theo chân các cán bộ Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp La Ngà, chúng tôi có mặt tại Tổ 5, ấp 5 xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai để được nhìn thấy những cánh rừng được trồng và chăm sóc bởi 120 hộ dân là người đồng bào dân tộc Chơ Ro.
Già làng người Chơ Ro ở Thanh Sơn Điểu Thị Út Lan năm nay đã 58 tuổi, nhưng đã có 30 năm gắn bó với nghề trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng.
Già làng Út Lan đã có 30 năm gắn bó với nghề trồng và chăm sóc rừng |
Theo Già làng Út Lan cho biết, cộng đồng 120 hộ dân người dân tộc Chơ Ro ở đây nhận khoán trồng, chăm sóc, vệ sinh rừng, phòng chống cháy rừng là 70 ha từ Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp La Ngà.
Theo đó, mỗi hec-ta công trồng rừng người dân Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp La Ngà trả 5 triệu đồng, và 1,7 triệu đồng/ ha công chăm sóc, bảo vệ rừng, mỗi năm người dân sẽ thực hiện hai đợt chăm sóc, bảo vệ rừng.
“Nếu tính theo ngày công lao động thì mỗi người dân tham gia trồng rừng được trả khoảng 250 nghìn đồng/ngày công, mỗi năm người dân tham gia khoảng 130 ngày công. Như vậy thu nhập cũng được trên 30 triệu/ người. Có những hộ dân gia đình có từ 3-4 người tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng thì thu nhập cũng được khoảng trên dưới 100 triệu đồng”.
“Như vậy cùng với làm nông nghiệp thì việc tham gia làm rừng đã giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo, nhờ đó có cuộc sống ổn định, qua đó gắn bó với rừng và yêu rừng, bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân chứ không chỉ còn là lợi ích của nhà nước hay của doanh nghiệp nữa”, Già làng Út Lan chia sẻ.
Kiên định mục tiêu “làm rừng FSC”
Ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp La Ngà (gọi tắt La Ngà) chia sẻ, hiện công ty đang quản lý, chăm sóc và bảo vệ khoảng 170 nghìn hec-ta rừng, trong đó rừng trồng sản xuất chủ yếu là keo ( hay còn gọi là Tràm) đang cho khai thác với tổng diện tích khoảng 5.900 ha.
Theo đó, La Ngà là công ty thành viên thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – Công ty cổ phần (VINAFOR) và cũng là đơn vị thành viên của Nhóm chứng chỉ rừng thuộc VINAFOR.
Chứng chỉ rừng FSC (quản lý rừng bền vững) của Nhóm được cấp lần đầu vào tháng 9 năm 2013. Công ty luôn cam kết thiết lập và duy trì lâu dài hệ thống quản lý rừng bền vững, xây dựng và thực hiện các chính sách tuân thủ quy định về quản lý rừng bền vững của FSC.
Những khu rừng trồng của Công ty La Ngà đều đảm bảo theo tiêu chuẩn FSC |
“Để thực hiện các tiêu chuẩn để đánh giá được FSC, công ty phải xây dựng tiêu chuẩn, hệ thống quy trình theo thực tế sản xuất để nó đáp ứng được tiêu chí của FSC. Khi xây dựng được quy trình rồi thì quá trình áp dụng quy trình vào thực tế sản xuất để mình giám sát các hoạt động quản lý rừng nhằm đạt mục tiêu theo các tiêu chuẩn FSC”, ông Cường chia sẻ.
Nhờ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và người dân địa phương, trong những năm qua công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng của La Ngà được thực hiện tốt. Cũng theo ông Cường cho biết, cán bộ công ty chỉ làm công tác quản lý, giám sát còn các hoạt động còn lại chủ yếu là người dân địa phương. Mỗi năm La Ngà sử dụng từ 500-700 lao động là người dân địa phương tại xã Thanh Sơn của huyện Định Quán”.
Hiện sản lượng gỗ khai thác của La Ngà trung bình mỗi năm đạt khoảng 30.000 m3 tương đương 200 - 300 hec-ta, toàn bộ đều là gỗ keo thuộc rừng trồng sản xuất đạt chứng chỉ FSC. Trong đó 60% sản lượng gỗ khai thác của Công ty được cung cấp cho Công ty CP Tân Vĩnh Cửu, đơn vị này sẽ chế biến thành phôi gỗ để tiếp tục cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến, sản xuất thành các sản phẩm phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Do các sản phẩm gỗ của La Ngà đã được cấp chứng chỉ FSC nên sản phẩm đồ gỗ của các doanh nghiệp chế biến từ nguồn gỗ của La Ngà là gỗ hợp pháp, hoàn toàn đáp ứng theo yêu cầu của Hiệp định VPA/FLEGT - Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản được ký kết giữa Việt Nam và EU.
“Những gỗ mà có chứng chỉ FSC thì có lợi thế về thương mại hơn khi mà yêu cầu về “bền vững” và “hợp pháp” đã trở thành nguyên tắc cho các sản phẩm gỗ muốn xuất sang thị trường EU, Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Do vậy các doanh nghiệp sẽ lựa chọn gỗ có chứng chỉ thay vì gỗ không rõ nguồn gốc”, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Sao chậm triển khai?
Theo đó, Công việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đã triển khai từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, tính đến ngày 10/10/2022, mới chỉ có 141 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được xếp loại nhóm I, chiếm tỷ lệ còn hạn chế trong tổng số các doanh nghiệp phải thực hiện phân loại trong tổng số hơn 1.200 doanh nghiệp.
Đây được xem là một trong những lý do khiến việc cấp phép Flegt cho các lô hàng xuất khẩu gỗ vẫn chưa thể thực hiện.
Theo bà Nguyễn Tường Vân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam thì, Hiệp định VPA/FLEGT chưa có tác động nhiều tới xuất khẩu gỗ vào EU, mà lại tác động mạnh ở xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ.
Trước đó nhằm cụ thể hóa Hiệp định VPA/FLEGT, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/NĐ-CP vào ngày 1/9/2020 quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Cũng theo bà Nguyễn Tường Vân: “Tác động rõ rệt nhất của Nghị định 102 là sự chuyển biến về thị trường nhập khẩu, từ vùng địa lý không tích cực (rủi ro) sang vùng địa lý tích cực (Hoa Kỳ, EU, Úc). Số lượng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực tăng mạnh".
Theo Nghị định 102, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được phân thành 2 nhóm. Nhóm 1 là nhóm tuân thủ đầy đủ pháp luật của Việt Nam. Nhóm 2 là các doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định của Pháp Luật Việt Nam.
Những doanh nghiệp tuân thủ các quy định về gỗ hợp pháp và bền vững được phân loại nhóm I |
Cụ thể, doanh nghiệp có tên trong nhóm 1 sẽ không cần xác minh, mà doanh nghiệp sẽ được tự xác nhận vào Bảng kê lâm sản khi làm hồ sơ xuất khẩu. Trong khi các doanh nghiệp thuộc nhóm 2, sẽ phải xác minh trước khi xuất khẩu: “Cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế tối thiểu 20% khối lượng của mỗi lô hàng xuất khẩu”, bà Vân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài- Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, Chánh văn phòng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng “Quy định về phân loại có các tiêu chuẩn về môi trường, doanh nghiệp có đầy đủ giấy phép về môi trường và hồ sơ chứng minh gỗ của doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm là hợp pháp. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ đảm bảo theo đúng quy định của Gỗ hợp pháp thì đưa vào phân loại nhóm I”.
“Hiện mới chỉ có một số ít doanh nghiệp thực hiện phân loại, một phần do quy định chưa bắt buộc hoặc cũng có thể do một số tiêu chí doanh nghiệp chưa đạt được, nhiều doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp nhỏ vẫn phải đi thuê mặt bằng, chưa đảm bảo về môi trường, về mặt hồ sơ hợp pháp về lâm sản thì đa số có rồi chỉ là họ chưa sắp xếp theo đúng quy trình để chứng tỏ hồ sơ của mình là hợp pháp”, bà Hoài cho biết.
Hiện phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa gửi hồ sơ tới cơ quan chức năng để xếp loại, bởi đánh giá xếp loại không chỉ về gỗ hợp pháp, mà theo quy định doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định pháp luật Việt Nam, từ đất đai, thuế, môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy... Nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo được các hồ sơ về các vấn đề này
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng: "Doanh nghiệp gỗ của Việt Nam tính chủ động chưa cao, thêm vào đó đa số là các doanh nghiệp nhỏ, năng lực và vật lực còn hạn chế. Đây có thể được xem là nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế của các doanh nghiệp trong chuẩn bị để thực thi hiệp định VPA/FLEGT”.
"Để đảm bảo lợi ích lâu dài, giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí theo hiệp định VPA/FLEGT', ông Hoài khuyến cáo các doanh nghiệp.
“Bền vững” và “hợp pháp”: từ khóa quan trọng trong thương mại quốc tế
Ông Võ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) chia sẻ: "là một trong những doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu gỗ từ các nước trên thế giới, trong 17 năm hoạt động chúng tôi kiên định với mục tiêu chỉ kinh doanh gỗ hợp pháp. Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu cung cấp phôi gỗ cho các công ty chế biến, sản xuất sản phẩm đồ gỗ cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu”.
Tuy nhiên hiệ nay nguồn gỗ lớn chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, còn trong nước mặc dù nhiều khu rừng đáp ứng tiêu chuẩn FSC nhưng là gỗ rừng trồng sản xuất chủ yếu là gỗ keo, tếch… gỗ nhỏ chỉ phù hợp với một số mặt hàng nhất định nên tiêu thụ nguồn gỗ này cho sản xuất các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu không được nhiều.
Ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ, chúng ta đang bị nhiều nước phê phán vì sử dụng nhiều gỗ cứng từ rừng tự nhiên… vô hình chung đã tiếp tay cho việc mất rừng. Yêu cầu gỗ hợp pháp và trách nhiệm giải trình đã trở thành vấn đề mà doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải tuân thủ”.
“Trước đây chỉ có EU đi tiên phong, nhưng hiện nay nhiều quốc gia khác: Hoa Kỳ, Nhật Bản rồi cả Hàn Quốc .. ..đều tham gia vào dòng chảy này. Thế giới ngày càng soi xét nhiều hơn cả về chính sách và gia công, mua bán trên thị trường. Từ “hợp pháp” và “bền vững” trở thành từ khóa quan trọng trên thị trường quốc tế đặc biệt là đối với EU”, ông Hoài khẳng định.
Bền vững và Hợp pháp trở thành 2 từ khóa quan trọng trong thương mại quốc tế |
Nhiều người nói rằng đã có giấy phép VPA/FLEGT rồi còn bày đặt FSC hay VFSC làm gì nữa. Nói về vấn đề này ông Hoài lý giải, các nước họ muốn chắc chắn rằng các sản phẩm đó được sản xuất từ các nguồn gỗ hợp pháp và được khai thác tại các khu rừng đảm bảo tính bền vững mà tính bền vững trong đó có rất nhiều yêu cầu trách nhiệm xã hội, môi trường, lao động,…
Thế giới hiện nay hay nói đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế xanh… cái gì cũng xanh. Do vậy tăng trưởng hay kinh tế xanh sẽ đòi hỏi thương mại xanh. Chống khai thác gỗ bất hợp pháp là cơ sở thương mại xanh và đảm bảo phát triển xanh bền vững.
“Người ta nói nhiều đến hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, cũng vì lý do làm thế nào giảm phát thải CO2, ứng phó với biến đổi khí hậu, nếu mất rừng, suy thoái rừng sẽ làm cho biến đổi khí hậu trầm trọng thêm. Giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu là 3 nội dung được thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn”, ông Hoài chia sẻ
Ông Hoài cũng khuyến cáo, chứng chỉ đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc gỗ và quản lý rừng bền vững, đây coi như công cụ để tăng cường bền vững cho thương mại xanh, phát triển xanh. Và thương mại xanh là một phần của phát triển kinh tế xanh trong những năm tới dù muốn hay không muốn thì chúng ta cũng phải tuân thủ.
Do vậy doanh nghiệp xác định muốn tồn tại và giữ được thị trường thì phải sớm hoàn thiện và đáp ứng các tiêu chí của VPA/FLEGT. “Chúng ta càng thực thi chậm thì tổn thất càng lớn”, ông Hoài khẳng định.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Ba Lan, Đức và Ý. Ngành Gỗ phấn đấu năm 2025 đạt 20 tỷ USD. |