Đắk Nông: Rộ nạn lâm tặc "bẫy" cán bộ bảo vệ rừng
Lâm tặc biến thành “đinh tặc”
Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Gia Nghĩa được giao quản lý hơn 11.000ha rừng, đất rừng, thuộc địa giới hành chính thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong, /chu-de/tinh-dak-nong.topic. Trong đó, diện tích có rừng hơn 3.200ha, số diện tích còn lại là đất lâm nghiệp chưa có rừng.
Theo BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa, số diện tích còn lại là đất lâm nghiệp đã bị người dân lấn, chiếm làm nhà cửa, lều trại, trồng các loại cây công nghiệp, trong đó có những diện tích bị lấn chiếm trước khi BQL được thành lập từ năm 2016.
Theo thống kế của BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa, chỉ trong gần 1 tháng vừa qua đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, có khoảng 15ha bị cháy, ảnh hưởng; trong đó có gần 5ha rừng trồng là sao xanh bị cháy, số còn lại chủ yếu là rừng hỗn giao tre nứa và một số khu vực tiếp giáp với rừng trồng. Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho biết, rừng bị cháy là do một số đối tượng đốt rừng có chủ đích, khu vực rừng phòng hộ bị đốt giáp ranh với diện tích rừng trồng, diện tích rừng đang tranh chấp nhằm mục đích lấn chiếm đất.
Một vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện Đắk Glong ngày 16/3. |
Đặc biệt, từ khoảng cuối tháng 2 trở lại đây, nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng trồng thuộc lâm phần Rừng phòng hộ Gia Nghĩa trên địa bàn xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong bị cháy bất thường. Cùng với đó là một lượng lớn đinh các loại được chôn, rãi dọc đường tuần tra nhằm ngăn chặn lực lượng tuần tra, phòng cháy chữa cháy rừng tiến hành dập lửa. Cơ quan chức năng xác định, việc rừng bị cháy bất thường, đường bị rải đinh là do một số đối tượng thực hiện có chủ đích nhằm hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng.
Cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng tìm đinh dọc các tuyến đường dẫn vào rừng. |
Tại hiện trường vụ đốt rừng vừa xảy ra thuộc lâm phần Đắk Ha, nhiều diện tích rừng trồng cây sao xanh năm thứ 3 và thứ 4 bị đốt cháy trụi. Nguyên nhân được đơn vị chủ rừng xác định do từ đầu năm đến nay, đoàn liên ngành quản lý, bảo vệ rừng của huyện Đắk Glong, xã Đắk Ha và đơn vị tiến hành nhiều đợt xử lý “mạnh tay” các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Từ đó, khiến một số đối tượng nảy sinh ý định “trả đũa” và thực hiện hành vi đốt rừng để phá hoại. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là khi phát hiện rừng bị đốt cháy, lực lượng chức năng cơ động vào dập lửa thì bị các đối tượng chôn, rải đinh dọc đường khiến xe bị thủng lốp, không thể tiếp cận nhanh hiện trường nên rừng bị thiệt hại diện tích lớn.
Bẫy đinh do lâm tặc "thiết kế". |
Theo ông Pàng Lạp Si (nhân viên quản lý, bảo vệ rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), khi xảy ra cháy rừng, các nhân viên, cán bộ tập trung tiếp cận hiện trường nên không để ý, đến lúc kiểm tra xe thì đều đã bị dính đinh, số đinh này được chôn dưới đường để ngăn cản lực lượng tiếp cận, khống chế ngọn lửa. “Hôm trước, tôi đi vừa nhặt được một cái ở bên cạnh đường tưởng là hết rồi, vừa đi được tầm cỡ 5m là thấy bụp một phát, lốp của tôi bị xẹp luôn, đang xuống dốc tôi dừng tại chỗ, chứ còn không đi nữa sẽ bị té, nguy hiểm đến tính mạng”, ông Pàng Lạp Si cho biết thêm.
Tăng cường quản lý để ngăn rừng 'chảy máu'
Ông Vũ Văn Trọng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, căn cứ vào các vụ việc và những sự kiện xảy ra trong thời gian vừa qua, BQL nhận định chuyện rải đinh dọc đường tuần tra của lực lượng chuyên trách, bảo vệ rừng và chuyện đốt rừng có mối liên kết, có chủ mưu chứ không phải là ngẫu nhiên.
“Khi phát hiện ra cháy, mọi người chạy vào thì xe đều đã bị xì hết. Theo tôi nhận định, đây là âm mưu, thủ đoạn phá hoại chứ không phải là ngẫu nhiên như việc bà con vô tình hút thuốc, vứt tàn lửa ra đường để bén lửa, cháy diện tích rừng tự nhiên và diện tích rừng trồng”, ông Trọng cho biết thêm.
Hiện nay có khoảng 800 hộ dân đang sinh sống, canh tác trong rừng phòng hộ. Vấn đề di dân tự do, đốt rừng, phá rừng, đặc biệt là tranh chấp đất giữa người dân với đơn vị quản lý rừng đang có chiều hướng gia tăng.
Cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng đau đầu khi lâm tặc biến thành "đinh tặc". |
Để tăng cường thêm lực lượng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, thu lượm đinh trên các tuyến đường, đồng thời thành lập 3 chốt kiểm soát quản lý người và phương tiện ra, vào khu vực rừng phòng; phối hợp các đơn vị chức năng tăng cường hỗ trợ công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm sớm ngăn chặn tình trạng đốt rừng phá hoại nêu trên.
Theo ông Đoàn Công Hoàng, Chủ tịch UBND xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cùng với lực lượng chức năng đi trực tiếp để tuần tra, kiểm tra và xử lý. “Trong thời gian vừa qua, cấp ủy chính quyền địa phương cùng ban quản lý rừng phòng hộ đã thực hiện lập 3 chốt quản lý tại 3 trạm do Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa quản lý, lực lượng gồm có nòng cốt là dân quân tự vệ, công an viên của xã và các lực lượng của ban quản lý rừng phòng hộ”, ông Hoàng thông tin,
Việc phá rừng, đốt rừng tại lâm phần thuộc BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa quản lý đang diễn biến hết sức phức tạp khi địa hình đồi dốc, đối tượng lâm tặc hung hãn, rải đinh, “tính kế” cán bộ quản lý bảo vệ rừng, tuy nhiên, do lực lượng mỏng, sử dụng công cụ chữa cháy thủ công nên những thiệt hại về rừng vẫn đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã có những chỉ đạo nhằm xử lý các điểm nóng, đồng thời đề nghị lực lượng công an công an điều tra, xử lý các đối tượng cầm đầu huỷ hoại rừng theo đúng pháp luật.