Đắk Nông hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững
Ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với /chu-de/tinh-dak-nong.topic về một số vấn đề trọng tâm để phát triển kinh tế nông nghiệp trong vùng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh bày tỏ, quá trình phát triển của Đăk Nông vẫn còn nhiều hạn chế. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa bền vững. Nông sản chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô, tỷ lệ nông sản qua chế biển sâu còn thấp; thiếu liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng chưa bền vững.
Theo đó, ông Ngô Thanh Danh mong muốn Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các đại biểu trong đoàn công tác sẽ cho ý kiến góp ý, trao đổi để tỉnh Đắk Nông nhận diện rõ hơn những mặt đạt được, những mặt chưa được, những vấn đề mới, mang tính chiến lược, lâu dài cũng như những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trước mắt mà tỉnh cần tập trung thực hiện để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm việc với tỉnh Đắk Nông. |
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng; hỗ trợ phát triển, công nhận 60 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao; hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 120 ha; công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 2.400 ha; xây dựng được 15 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và 1 Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm hồ tiêu Đắk Nông.
Hiện, toàn tỉnh có 3 liên hiệp hợp tác xã, 203 hợp tác xã nông nghiệp với các lĩnh vực hoạt động đa dạng; thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng khá, giá trị đạt khoảng 800 triệu USD/năm.
Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh Đắk Nông phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển chăn nuôi theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm; đồng thời có các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp để địa phương tiếp tục phát triển diện tích rừng tự nhiên hiện có. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp, báo cáo Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đất đai của tỉnh đến năm 2030 theo hướng giảm gần 50.000ha đất quy hoạch lâm nghiệp; điều chỉnh các chính sách liên quan tới chế độ, chính sách đối với kiểm lâm và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng…
Tỉnh Đắk Nông đã chủ động phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. |
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, Đắk Nông là địa phương có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp phát triển nông nghiệp, vị trí địa lý thuận lợi để giao thương với thành phố Hồ Chí Minh và khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là một tiềm năng, thế mạnh mà tỉnh cần tập trung khai thác, nhất là trong bối cảnh hệ thống hạ tầng, nhất là đường cao tốc sắp được triển khai đầu tư.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh thuận lợi, ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp, đây cũng là vấn đề nhiều địa phương đang kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với các địa phương, các bộ ngành liên quan kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ sớm nhất để các địa phương thực hiện.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý Đắk Nông cần phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững, tận dụng các điều kiện thuận lợi về tài nguyên rừng, khí hậu, cảnh quan, các giá trị văn hóa của cộng đồng 40 dân tộc sinh sống tại địa phương để kết hợp phát triển du lịch; lấy nông dân là trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp phải gắn với đổi mới khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Riêng đối với các dự án ổn định dân di cư không theo quy hoạch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý Đắk Nông phải bảo đảm các nhu cầu thiết yếu cho người dân, bao gồm ổn định nơi ở, các vấn đề sinh kế, phong tục tập quán sinh hoạt của bà con.