Thứ năm 28/11/2024 03:45

Đắk Nông: Cần làm rõ nguồn gốc đất trong trong triển khai Cụm CN-TTCN Quảng Tâm

UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi đất, nhưng người dân không nhận được các quyết định thu hồi diện tích đất và tài sản, hoa màu trên đất không được đo đạc, kiểm đếm.

Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân trú tại thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, /chu-de/tinh-dak-nong.topic liên tục có đơn khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền về một số bất cập, liên quan đến việc chính quyền địa phương ban hành các quyết định thu hồi đất, xử phạt vi phạm hành chính trong triển khai Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp...

Đất bị thu hồi đã lâu nhưng dân không hay biết

Ông Nông Văn Hán, sinh sống ở Tiểu khu 1489, nay thuộc thôn 5, xã Quảng Tâm, từ năm 1998 phản ánh: 30 hộ dân có đất khai hoang và nhận nhượng quyền tại đây từ năm 1997, khu vực này còn chưa có đường vào, bốn bề hoang vu, chỗ thì là cây cối rậm rạp, chỗ là đồi trọc. Hàng trăm hộ dân là người đồng bào Tày, Nùng đã đến khai hoang. Thời điểm đó có già làng và cán bộ địa phương thường xuyên đến động viên, khích lệ. Công an xã cũng tiến hành nhập hộ khẩu cho người dân này từ năm 1997.

Khu vực đất triển khai Cụm CN-TTCN Quảng Tâm. Ảnh: T.Sơn
Riêng gia đình ông Hán khai hoang được diện tích hơn 1ha và sử dụng để canh tác cho đến nay.

Gia đình Trần Văn Hợp được bố mẹ tặng lại hơn 2ha diện tích đất bắt đầu khai hoang khoảng từ năm 2001; trên đất có dựng nhà tạm để ở và trồng một số loại cây, chủ yếu là bơ, trong đó nhiều cây đã gần 10 năm tuổi.

Theo phản ánh của các hộ dân ở đây, họ đều có nguyện vọng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ nhiều năm trước, nhưng khi đề nghị thì được chính quyền địa phương trả lời phải chờ đợi vì chưa có chủ trương.

Nhiều trường hợp khi tiến hành sang nhượng lại đất đều được UBND xã Quảng Tâm xác nhận.

Hộ ông Nguyễn Văn Đạo nhận chuyển nhượng lại 1,5ha của hộ gia đình ông Hoàng Văn Lợi ngày 3/6/2011 có dấu và chữ ký của ông Điểu N’Tơn, là Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm khi đó.

Đến khoảng tháng 4/2016, Công ty Đại Gia Thuận tiến hành san lấp, lấn sang diện tích đất của một số gia đình tại thôn 5, xã Quảng Tâm đang canh tác, đã vấp phải phản ứng của người dân và dẫn đến tranh chấp.

Lúc này, UBND xã Quảng Tâm ra thông báo, diện tích đất hơn 34 ha thuộc Tiểu khu 1489 đã được giao cho Công ty Đại Gia Thuận để triển khai Cụm CN-TTCN Quảng Tâm.

Nhận được thông tin trên, 30 hộ dân đã đề nghị UBND huyện Tuy Đức, xã Quảng Tâm làm rõ.

UBND huyện Tuy Đức đã có văn bản hồi đáp, khẳng định hầu hết diện tích đất mà người dân đang canh tác, sinh sống tại thôn 5, xã Quảng Tâm là đất tự ý lấn chiếm chứ không phải đất khai hoang.

Ngày 25/5/2018, UBND huyện Tuy Đức ban hành một loạt các quyết định “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính” đối với 12 hộ dân. Trong đó, yêu cầu người dân phải tháo dỡ tài sản, kiến trúc, nhổ bỏ cây trồng trên diện tích đất vi phạm.

Tại các văn bản này, UBND huyện nêu lý do không ra quyết định xử phạt do đã hết thời hạn theo quy định tại khoản 1, Điều 66 Luật Xử phạt vi phạm hành chính ngày 20/6/2012.

Ngày 19/11/2018, UBND huyện Tuy Đức có Quyết định số 2114/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân tại xã Quảng Tâm, trong đó nêu: “Ngày 4/2/2010, UBND tỉnh Đắk Nông có Văn bản số 410/UBND-TH về việc chủ trương cho Công ty Đại Gia Thuận đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao - TTCN Quảng Tâm.

Ngày 7/5/2010, UBND huyện Tuy Đức ban hành Quyết định số 551/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ công trình cụm CN-TTCN Quảng Tâm với tổng kinh phí hơn 512 triệu đồng. Trong đó, xác định tại khu vực Tiểu khu 1489 chỉ có hộ ông Phạm Văn Công được hỗ trợ, đền bù với số tiền hơn 85 triệu đồng.

Ngày 8/10/2010, UBND tỉnh Đắk Nông có Quyết định số 1604/QĐ-UBND về việc thu hồi 34,94ha đất của Công ty Cao su Phú Riềng giao cho UBND huyện Tuy Đức quản lý.

Ngày 1/2/2012, UBND tỉnh Đắk Nông có Quyết định số 126/QĐ-UBND cho Công ty Đại Gia Thuận thuê 34,94ha đất và cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho doanh nghiệp trên.

Theo UBND huyện Tuy Đức, nguồn gốc đất của 30 hộ dân tại Thôn 5, xã Quảng Tâm là đất vốn thuộc sự quản lý của Công ty Lâm nghiệp Tuy Đức, sau đó được giao cho Công ty Cao su Phú Riềng và đến năm 2012 thì cho Công ty Đại Gia Thuận thuê để triển khai Cụm CN-TTCN Quảng Tâm.

Ông Hà Văn Chiều, Thôn 5, xã Quảng Tâm bức xúc: Theo trả lời của UBND huyện thì đất của 30 hộ dân ở Tiểu khu 1489 xưa thuộc diện lấn chiếm và đã bị thu hồi từ lâu là không đúng. Nếu đúng thì các đơn vị được giao đất đã tiến hành đo mốc giới, xác định phạm vi sở hữu và chính quyền đã xử lý những trường hợp hộ dân vi phạm từ nhiều năm trước. Bên cạnh đó, UBND tỉnh thu hồi đất, nhưng người dân không nhận được các quyết định thu hồi; diện tích đất và tài sản, hoa màu trên đất không được đo đạc, kiểm đếm. Một số trường hợp sang nhượng lại đất vẫn được chính quyền xã Quảng Tâm xác nhận là hợp pháp.

Cần xem xét thời hiệu của việc xử phạt vi phạm hành chính

Từ ngày 3/3-5/7, hầu hết các hộ dân đang sinh sống, canh tác trên diện tích 34,94ha thuộc Tiểu khu 1489 lần lượt nhận được biên bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của UBND xã Quảng Tâm kèm theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Tuy Đức.

Các biên bản vi phạm hành chính mà UBND xã Quảng Tâm gửi cho người dân đều không có chữ ký và dấu xác nhận của đại diện chính quyền; không có chữ ký của hộ dân vi phạm, mà chỉ có chữ ký của cán bộ lập biên bản cùng người làm chứng; lãnh đạo xã Quang Tâm cũng không có lời giải thích thỏa đáng.

Tại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện Tuy Đức chỉ ghi hành vi vi phạm hành chính của các hộ dân là: “Chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn” cùng với mức xử phạt tiền 70 triệu đồng mỗi trường hợp vi phạm.

Tiếp đó, liên tục trong tháng 3 và tháng 4/2022, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với 4 hộ gia đình. Trường hợp bị phạt nặng nhất là hộ ông Trần Văn Hợp với tổng số tiền 420 triệu đồng, kèm theo quyết định buộc trả lại diện tích đã lấn chiếm tại khu vực đất cụm CN-TTCN Quảng Tâm do UBND huyện Tuy Đức quản lý.

Luật sư Nguyễn Thành Tín, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng nhận định, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định rất rõ thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 91 nêu “các hành vi vi phạm được xác định là đã kết thúc và thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm như: Hành vi chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê đất trả tiền một lần, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, thuê đất trả tiền một lần, thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với đất không được giao dịch hoặc không đủ điều kiện giao dịch về quyền sử dụng đất theo quy định mà các bên liên quan đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, văn bản giao dịch đã ký…”.

Như vậy, theo luật sư, với trường hợp hộ ông Trần Văn Hợp được bố mẹ tặng cho đất hay trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Đạo nhận chuyển nhượng lại đất từ người khác thì đã hết thời hiệu để xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, các quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện Tuy Đức và UBND tỉnh Đắk Nông đối với những trường hợp như trên là trái quy định của pháp luật.

Ngày 14/8, tại buổi đối thoại với người dân, ông Phạm Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức đã nhấn mạnh: Ngày 11/11/2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định 1839/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Công ty Đại Gia Thuận giao cho UBND huyện quản lý.

Đối với việc các hộ dân khẳng định sử dụng đất trước khi Nhà nước giao đất cho Công ty Đại Gia Thuận là không có căn cứ; các hộ dân cho rằng nguồn gốc đất do mua bán, khai hoang từ những năm trước đây là không có cơ sở. Đồng thời, đối với các quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh, UBND huyện đã ban hành trên cơ sở căn cứ các vi phạm hành chính về luật đất đai do các hộ dân đã vi phạm.

Ngày 30/8, Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông có Văn bản số 1005/TB-VPUBND thông báo kết luận của ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về những kiến nghị của người dân liên quan đến việc thu hồi 34,49ha đất tại thôn 5, xã Quảng Tâm; không đồng ý với kiến nghị của người dân về việc hủy bỏ cụm CN-TTCN Quảng Tâm; đồng thời, giao UBND huyện Tuy Đức rà soát các trường hợp vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả, kiểm tra gia cảnh của từng hộ gia đình trước ngày 25/9 để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Đến nay, UBND huyện Tuy Đức chưa có kết quả báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông, trong khi đó, 30 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất, bị xử phạt vi phạm hành chính tại thôn 5, xã Quảng Tâm rất không đồng tình với quan điểm và hướng xử lý của chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

thanhtra.com.vn

Tin cùng chuyên mục

TP. Hải Phòng hướng đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững

Quảng Ninh khẳng định vai trò đầu mối, thúc đẩy liên kết vùng

An Giang: 'Trải thảm đỏ' thu hút đầu tư hàng loạt dự án công nghiệp lớn

Thừa Thiên Huế: Di dời hơn 200 hộ dân sống ở vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn

Quảng Nam: Sóng lớn lại xé toạc bờ biển Hội An

Quảng Nam: Phát hiện một cá thể voi đi lạc giữa đồng bằng

Quảng Ninh: Đông Triều nỗ lực hướng tới môi trường xanh trong sản xuất, khai thác than

An Giang: Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng

Tuyên Quang: Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, phát triển chợ, siêu thị

Vĩnh Phúc: Nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics xanh

Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2024 tại Thái Bình

Hạ tầng số hiện đại - 'chìa khóa' để Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi số

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Lạng Sơn: Phê duyệt mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi ở huyện miền núi Bắc Trà My

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Thanh Hóa sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử