Đại hội đồng IPU-132: Chiến tranh mạng đe dọa hòa bình thế giới
Các nghị sĩ thảo luận dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng – Mối đe doa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”.
Theo các nghị sĩ, trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh mạng là một cuộc chiến không có tiếng súng, cuộc chiến không biên giới nhưng hậu quả của nó có thể còn khủng khiếp, lớn hơn cả chiến tranh hạt nhân. Hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Thuật ngữ “chiến tranh mạng” thường xuyên được các phương tiện truyền thông sử dụng để mô tả các tình huống khác nhau với nhiều hậu quả cho dù chúng không phải luôn luôn liên quan toàn bộ đến chiến tranh mạng.
Ông José Carlos Mahía - đoàn Uruguay, đồng báo cáo viên của Ủy ban thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế khẳng định: “Chiến tranh mạng là một vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về cuộc chiến này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Việc nghị viện các nước thảo luận về chiến tranh mạng là điều rất quan trọng”.
Xuất phát từ thực tiễn, một số đại biểu cũng nêu thực tế trong nhiều trường hợp, việc áp dụng các ứng dụng hiện hành của luật pháp quốc tế không phải là một giải pháp hoàn hảo. Do đó, luật an ninh quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi và cần có cách giải thích khác cho các quy định hiện hành nếu không áp dụng được hoàn toàn các quy tắc mới.
Dự thảo Nghị quyết do các báo cáo viên trình bày tại phiên thảo luận cũng cho thấy, các Báo cáo viên tôn trọng tên chủ đề đã được Ủy ban thường trực thông qua là "Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới". Dự thảo Nghị quyết khuyến khích quốc hội các nước hợp tác chặt chẽ hơn đối với các ban ngành của chính phủ phát triển các công cụ tự vệ trước các vụ tấn công mạng, hoàn thiện hệ thống luật pháp để kiểm tra, giám sát và phòng ngừa trước các vụ tấn công mạng.
Dự thảo Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc hội thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội dân sự nhằm đối phó với thách thức đang ngày càng gia tăng của các vụ tấn công mạng.
Dự kiến, dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới" sẽ được thông qua Đại hội đồng IPU-132; góp phần cung cấp khả năng đóng góp của nghị viện trong định nghĩa và khái niệm khung của chiến tranh mạng, đặc biệt là thông qua các biện pháp cụ thể có thể được thực hiện trong tương lai gần.
Cũng trong ngày hôm nay, IPU-132 còn có sự kiện bên lề “Đạt được tầm nhìn Bắc Kinh: Quan điểm của nam giới” (đồng tổ chức bởi IPU và UN Women)… Bên cạnh đó, các nghị sĩ IPU cũng thảo luận dự thảo Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước”. Theo đó, nghị sĩ các nước sẽ thảo luận về một Nghị quyết nhằm tạo ra cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng, thúc đẩy sự hợp tác hành động của Nghị viện các nước trong việc cùng nhau bảo đảm thực hiện Quyền con người về nước và vệ sinh đã được Đại hội đồng LHQ thông qua năm 2010.
Tại hội thảo “Nghị viện các quốc gia trong việc phòng, chống mối đe dọa của chiến tranh mạng đối với hòa bình, an ninh thế giới” tại Hà Nội mới đây, do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban An ninh – Quốc phòng của Quốc hội Việt Nam tổ chức, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Bên cạnh những thuận lợi, đóng góp tích cực, hiện nay thế giới đang đứng trước không ít thách thức, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân, nhà nước, xã hội, thậm chí có thể đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh thế giới từ mạng internet. |