Chủ nhật 24/11/2024 14:54

Đại biểu Quốc hội: Phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Quốc hội cho rằng, khi quản lý về giá cần phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.

Phải có biện pháp quản lý giá phù hợp với thực tiễn

Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà - đoàn Hà Nội cho biết, về vấn đề quản lý giá thuốc, tại Điều 2 của dự thảo nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến. Đây cũng là khái niệm để quản lý giá thuốc.

Tuy nhiên, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội thì chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan…

Dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc quy định. Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.

"Ví dụ như, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao" - đại biểu đoàn Hà Nội nêu.

Theo quy định tại Điều 107 dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn, Vậy một câu hỏi đặt ra đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? "Tôi cho rằng khi quản lý về giá thì cần phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc" - bà Trần Thị Nhị Hà nói.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “Tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc”.

Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau, và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ khác nhau.

Hơn nữa, với các tỉnh thành có quy mô lớn như Hà Nội (gần 10.000 cơ sở bán lẻ và 1.500 cơ sở bán buôn), quy định này tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược khi thực hiện kê khai giá.

Trong khi đó, ngay từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 540 về chuẩn dữ liệu đầu ra trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, theo quy định thì mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường theo quy định tại Luật giá.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện; đồng thời, chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.

Bà Trần Thị Nhị Hà - đoàn Hà Nội nhấn mạnh, thuốc là sản phẩm hàng hoá đặc biệt, cử tri rất mong muốn và hy vọng giá thuốc cũng phải quản lý rất đặc thù theo các quy định của Luật chuyên ngành, tuy nhiên các biện pháp quản lý giá thuốc được nêu trong dự thảo luật dược sửa đổi hầu hết lại quy định tuân thủ theo luật giá. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định, biện pháp quản lý giá phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Cần tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh

Đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Khánh Thu - đoàn Thái Bình cho hay, dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 8 đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu một số ý kiến; tổng hợp và giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Góp ý về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, tại Điều 32 khoản 1 của Luật Dược quy định hoạt động “kinh doanh bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc” là một hoạt động kinh doanh dược độc lập.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng được liệt kê tại khoản 2 điều 32 như một cơ sở kinh doanh dược độc lập với cơ sở bán buôn hay cơ sở bán lẻ thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Vì vậy, khi khoản 4 Điều 53a quy định các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện các hoạt động bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không nêu rõ các hoạt động này gắn với bán hàng thì vô hình chung đã loại trừ quyền kinh doanh của các doanh nghiệp FIE đối với một hoạt động kinh doanh độc lập không có liên quan đến phân phối thuốc được quy định trong Luật.

Đại biểu tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, theo các hiệp định thương mại tự do như WTO, CPTPP, EVFTA… Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics.

Theo cam kết trong WTO, Việt Nam đã bỏ hạn chế về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics và sau 7 năm thực hiện kể từ khi gia nhập - tức là kể từ năm 2014, Việt Nam đã không còn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Như vậy, theo các cam kết quốc tế, Việt Nam đã tham gia thì các dịch vụ bảo quản vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc nếu được cung cấp độc lập, không gắn liền với hoạt động bán hàng thì không được coi là hoạt động có liên quan đến phân phối và Việt Nam cho đến nay không hạn chế quyền tiếp cận thị trường đối với các dịch vụ này.

Về cơ sở thực tiễn, với những nguyên nhân đã nêu trong báo cáo, khi chúng ta còn băn khoăn nếu mở rộng thêm quyền cho các doanh nghiệp FIE sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp trong nước, thì thực tế hiện nay, khi Nghị định số 54 hướng dẫn thi hành Luật Dược ban hành thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng không được cung cấp cả một số dịch vụ logistics như dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc. Sau 7 năm thực hiện Nghị định này, số lượng doanh nghiệp trong nước có khả năng cung cấp các dịch vụ này thực chất không nhiều.

Thực tiễn trong nước và quốc tế cho thấy, việc tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát huy sự tự chủ, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển, không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà cả ngành công nghiệp.

Phần lớn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, đều đã thực hiện chính sách mở cửa trong lĩnh vực phân phối và logistics dược phẩm và những chính sách này đã có tác động tích cực trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.

Trong khi thực hiện các chính sách mở cửa, các nước vẫn đảm bảo không chỉ cung ứng thuốc trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài và đảm bảo an ninh y tế cho chính quốc gia họ và cả khu vực và các quy định pháp luật về giá và chống cạnh tranh giúp cho họ bảo đảm các mục tiêu về an ninh y tế và kiểm soát giá thuốc. Vì vậy, chúng ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này, và điều đó cũng phù hợp với chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển công nghiệp dược.

Từ đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điểm a và b khoản 4, điều 53a như sau: a) Bán, giao nhận, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nếu các hoạt động giao nhận, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc gắn với bán hàng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và 3 Điều này; b) nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc không phải do chính cơ sở nhập khẩu hoặc sản xuất, nếu dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc gắn với bán hàng.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào xã giao lãnh đạo Campuchia nhân dịp dự IPTP 11

Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Nhiều ý kiến đóng góp tích cực, bổ sung cho dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng ngành hóa chất hiện đại

Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ về Luật Hóa chất (sửa đổi)

Tổng Bí thư và Phu nhân lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Malaysia

Kỹ sư dầu khí Việt kiều báo cáo Tổng Bí thư Tô Lâm kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo Malaysia

Tổng Bí thư và Phu nhân thăm Đại sứ quán và gặp cộng đồng người Việt ở Malaysia

Thảo luận về quản lý đầu tư, Thủ tướng nêu loạt vướng mắc và giải pháp từ doanh nghiệp ngành Công Thương

Tổng Bí thư hoan nghênh doanh nghiệp Malaysia đầu tư, làm ăn lâu dài ở Việt Nam

Cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra tiến độ Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Khẳng định Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đóng góp trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu

Cần đưa quy định phát triển công nghiệp bán dẫn vào Luật Công nghiệp công nghệ số

Sẽ quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư

Sửa đổi Luật Hóa chất phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay

Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Viện Tim quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn Malaysia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sắp thăm, làm việc tại Đan Mạch và Phần Lan