Đại biểu Quốc hội "hiến kế" tăng "sức khỏe" cho doanh nghiệp
Cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông - đoàn Bình Thuận cho biết, trong bối cảnh trong nước và thế giới hết sức khó khăn nhưng dưới sự điều hành linh hoạt, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới còn nhiều ảm đạm, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước về tất cả các mặt và được cử tri và nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, hiện nay có nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội phát sinh, tác động đến tâm trạng của toàn xã hội khiến cử tri và nhân dân cả nước băn khoăn, lo lắng và hết sức quan tâm.
Nêu một số vấn đề kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, đại biểu đoàn Bình Thuận cho hay, đầu tiên là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Theo số liệu năm 2023 thì có 172,6 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022; trong 4 tháng đầu năm 2024 có 86,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023.
“Một đất nước có cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nước đó. Tuy nhiên, thực trạng trên cho chúng ta thấy một thực tế hết sức đáng suy ngẫm và chúng ta đặt câu hỏi vì sao” - đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Thứ hai, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn cực sau đại dịch Covid-19 của các doanh nghiệp.
Thứ ba, các chính sách, các quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng, nấc cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cho các doanh nghiệp giải thể.
Do vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ có các giải pháp như tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ động kịp thời trong việc thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề đất đai, nhất là vấn đề xác định giá đất cụ thể.
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu
Đại biểu Nguyễn Việt Hà - đoàn Tuyên Quang cho hay, qua báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng đạt 5,66% thì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang |
Đưa ra ý kiến về tình trạng doanh nghiệp đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đại biểu nêu, lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Hệ lụy từ đại dịch Covid-19 cùng với ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột chính trị, quân sự của các nước trên thế giới khiến cho cung, cầu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp bị gián đoạn, đứt gẫy, dẫn đến hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, đại biểu đặc biệt quan tâm đến khó khăn trong thị trường đầu ra của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp hiện nay đang thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Đây là khó khăn nổi cộm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ khi diễn ra dịch Covid-19, dù đến nay tình trạng này đã, đang được cải thiện nhưng vẫn là khó khăn lớn của doanh nghiệp.
Đơn cử, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, các yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1/2024, có yếu tố về nhu cầu thị trường trong nước thấp, chiếm 5,1%, đặc biệt, yếu tố về nhu cầu thị trường quốc tế thấp, chiếm 34,2%. Tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ năm 2023 đến nay đã khiến cho doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu.
Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng trong nước tăng ở mức độ thấp. Tính trung bình 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng khoảng 8,5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 13,3%.
Thời gian qua, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, lãi suất ngân hàng đã liên tục giảm và duy trì ở mức thấp, các ngân hàng hiện nay vẫn đang tiếp tục cuộc chạy đua giảm lãi suất cho vay và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng nhằm tăng trưởng tín dụng; các chương trình ưu đãi đưa ra cũng được tập trung hướng vào hoạt động sản xuất tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp do khó khăn, đặc biệt vì thị trường đầu ra nên giảm quy mô sản xuất, thậm chí dừng đầu tư; người dân thì có tâm lý thận trọng, tiết kiệm chi tiêu dẫn đến không có nhu cầu vay vốn. Đây là nguyên nhân trọng yếu khiến cho tín dụng khó tăng trưởng và cũng phản ánh độ hấp thụ vốn của nền kinh tế còn ở mức thấp.
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn trên, đại biểu kiến nghị quan tâm, chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho doanh nghiệp. Đồng thời, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Thứ hai, thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, trong đó tăng cường vai trò của các chính sách tài khóa như các chính sách đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua như miễn giảm gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ tư, tháo gỡ những khó khăn của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu để mở rộng kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hạn chế dần nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Có giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng
Đại biểu Nguyễn Văn Thi - đoàn Bắc Giang cơ bản nhất trí với Báo cáo kinh tế - xã hội do Chính phủ trình Quốc hội. Năm 2023 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội của nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, kinh tế phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi - đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang |
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt kết quả cao, phát triển hạ tầng kết cấu, hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về giao thông, nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng, là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung có giải pháp quyết liệt để thực hiện trong thời gian tới. Thứ nhất, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế.
Theo báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước năm 2023 đạt 1.919.000 tỷ đồng, tăng 2,7% và chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022, lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn so với lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đây cũng là yếu tố tác động hết sức tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là đối với khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Một vấn đề nữa là tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm, nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. "Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ và có giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng" - đại biểu nói.