Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét chính sách phát triển công nghiệp dược
Với 11 ý kiến của đại biểu, trong đó 8 ý kiến đại biểu trong ngành y tế, nhiều nội dung của dự thảo Luật Dược sửa đổi chưa nhận được đồng thuận của các đại biểu.
Trước hết, đa số các đại biểu đánh giá cao Bộ Y tế và cơ quan thẩm tra, chỉnh lý đã có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật, đồng thời các đại biểu đồng thuận với việc cần thiết phải sớm ban hành Luật Dược sửa đổi. Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều đại biểu còn băn khoăn và chưa đồng tình với một số nội dung liên quan đến: Tiêu chuẩn dược liệu làm thuốc, kinh doanh thương mại điện tử, giá thuốc, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chuyển đổi số trong hoạt động của dược, đấu thầu thuốc, đặc biệt là chính sách ưu đãi cho phát triển ngành công nghiệp dược..
Sáng 22/10 các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường (Ảnh: quochoi.vn) |
Chính sách đấu thầu, phân phối, giá thuốc không giải quyết được vướng mắc hiện nay
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan- Chủ tịch Hội Dược học thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay Việt Nam có hơn 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc là quá nhiều so với các quốc gia khác. Đồng thời số đăng ký thuốc trong nước đang bị trùng lặp rất nhiều. Do đó, đại biểu đề nghị cần có chủ trương hạn chế số lượng đăng ký thuốc để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh, minh bạch hơn và cần phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
“Có quá nhiều mặt hàng chúng ta không phân biệt được sẽ làm ảnh hưởng đến công tác đấu thầu, trong khi công tác cấp số đăng ký vẫn chỉ trên hồ sơ. Phải học tập các quốc gia khác bằng hàng rào kỹ thuật, phải đến tận nơi kiểm tra”- đại biểu Lan góp ý.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ thông tin bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Thu Hường) |
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong dự thảo sửa đổi Luật Dược, liên quan đến quản lý số lượng đăng ký thuốc, ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, quản lý hệ thống phân phối và bán lẻ thuốc, đấu thầu thuốc, cũng như quản lý mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Đại biểu đề xuất cần có giải pháp tổng thể và hiệu quả hơn để giải quyết các bất cập này, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dược và bảo vệ sức khỏe người dân.
Cần xem xét lại chính sách phát triển công nghiệp dược
Liên quan đến phát triển ngành công nghiệp dược trong nước, đại biểu Lan cho rằng, các điều khoản ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước trong dự thảo luật tương tự như Luật Dược 2016, nhưng chưa rõ ràng về việc áp dụng cho các doanh nghiệp cụ thể. Do đó đề nghị cần xem lại việc ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, đặc biệt trong quá trình đấu thầu mua thuốc tại bệnh viện.
Đại biểu dẫn chứng, hiện cả nước có 168 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP khi Luật Dược 2016 ban hành và đến nay con số này là 236 nhà máy, trong khi các quốc gia lân cận chỉ có trên 100 nhà máy.
“Nếu tìm hiểu thì hầu như các nhà máy đều gặp vấn đề không có nhà máy nào sản xuất đủ công suất như đã đăng ký bởi vì làm nhiều thì bán đi đâu, đi vào bệnh viện thua ngay trên sân nhà, bởi vì chỉ có đấu thầu giá rẻ nhất thì trúng. Điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và phát triển bền vững của ngành công nghiệp dược”- đại biểu chia sẻ và đề nghị cần xem xét lại quy định về đấu thầu thuốc để đảm bảo cung cấp đủ thuốc, vaccine cho người dân và phát triển bền vững ngành dược.
Với xu thế thị trường mở, chúng ta cần có chủ trương phát triển ngành dược như thế nào? Làm sao số lượng cho hợp lý, tối đa một hoạt chất thì có bao nhiêu số đăng ký? Phải cập nhật và tăng được nhiều hoạt chất, vì tăng được hoạt chất chúng ta có thể cập nhật được những trị liệu, những thuốc mới nhất trên thị trường để người bệnh “không phải xách tay”.... Với 22.000 thành phẩm cho 800 hoạt chất là quá nhiều, thậm chí có hoạt chất hàng chục, hàng trăm số đăng ký thì làm thế nào đây? Còn khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu để thu hái, trồng dược liệu thì được, nếu để đầu tư làm các biệt dược đòi hỏi công nghệ cao trong khi các nhà máy hiện nay cũng đã quá nhiều, trên 230 nhà máy thì cần phải xem xét kỹ, thấu đáo.
Cũng liên quan đến chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cần điều chỉnh về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân trong chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành góp ý tại hội trường (Ảnh: quochoi.vn) |
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao nội dung dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này, các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, liên quan đến quy định tại Điều 8 dự thảo Luật về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược, đại biểu cho biết, hiện nay đang xây dựng 02 phương án, phương án 1 quy định cụ thể về vốn đầu tư với quy mô đầu tư tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, điều kiện thực hiện trong 3 năm đầu là 1.000 tỷ đồng. Đại biểu cho rằng đây là điều kiện rất khó khăn, bởi lĩnh vực được hưởng ưu đãi trong công nghiệp dược là phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm,.. Đây là những lĩnh vực rất hẹp, trong khi đó lại yêu cầu quy mô đầu tư rất cao, khả năng giải ngân trong 3 năm đầu hoàn toàn không khả thi. Do đó, đại biểu cho rằng cần phát xem xét lại nội dung này.
Theo đại biểu, phương án này có ưu điểm là xác định được cụ thể quy mô của dự án đầu tư để được hưởng ưu đãi tại Điều 20 của Luật Đầu tư. Phương án hai thì quy định phải đáp ứng được quy định tại Điều 20 mới được hưởng ưu đãi. Do đó, đại biểu cho rằng cần điều chỉnh lại quy định về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân để đảm bảo phù hợp.
Nhiều chính sách khó đảm bảo tính khả thi của Luật
Cho rằng một số chính sách trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận thấy dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 8 đã tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đã hoàn thiện theo hướng toàn diện.
Đại biểu Lê Văn Cường- Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: quochoi.vn) |
Tuy nhiên tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 7, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Điều 7 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều kiện chưa sửa đổi toàn diện Luật Dược tại thời điểm hiện nay. Những nội dung được sửa đổi tại điểm này nhằm kịp thời thích ứng với tình hình mới, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Những nội dung cụ thể sửa đổi tại điều này mang tính nguyên tắc, định hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành dược, bao gồm cả việc giải quyết những vấn đề thực tế, việc cung ứng thuốc, cải cách, ưu tiên về thủ tục hành chính,...; song cũng bao gồm cả những mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, tầm nhìn dài hạn với những trọng tâm, trọng điểm, trọng điểm, cụ thể.
Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đã quy định giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 14 Điều 7. Tuy nhiên, qua rà soát, đại biểu nhận thấy, những nội dung chính sách mang tính nguyên tắc, định hướng hoặc các chính sách đã được thể hiện tại các điều luật khác không nhất thiết phải giao quy định chi tiết. Đồng thời, qua nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật trình tại Kỳ họp, dự thảo Nghị định còn nhiều chính sách chưa được quy định cụ thể. Điều này có thể dẫn tới việc khó đảm bảo tính khả thi, hiệu lực pháp lý của luật.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn nữa các chính sách ngay trong dự thảo Luật. Đối với những chính sách do Chính phủ quy định chi tiết, cần được thể hiện đầy đủ trong Nghị định của Chính phủ để đảm bảo thực thi ngay khi luật có hiệu lực thi hành.
Kết luận phiên thảo luận về Luật Dược sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, đồng thời cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận phiên thảo luận sáng 22/10 về dự thảo Luật Dược sửa đổi (Ảnh:quochoi.vn) |
Bên cạnh đó, đa số ý kiến đại biểu đều hướng đến tính hiệu quả, khả thi của việc sửa đổi luật, nhằm đáp ứng yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý dược, đấu thầu mua sắm thuốc, đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời và giá cả hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi, ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển công nghiệp dược.
Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua.