Thứ hai 25/11/2024 18:55

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi vào công tác điều tra cơ bản dầu khí

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí.

Làm rõ cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí

Đóng góp ý kiến về công tác điều tra cơ bản dầu khí trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, để có được khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất và khả thi thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động và dự báo tốt bối cảnh tình hình khu vực và thế giới, nhất là tình hình Biển Đông, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến các bộ luật, luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...

Đại biểu Tạ Đình Thi - đoàn Hà Nội phát biểu thảo luận tại hội trường Diên Hồng sáng ngày 15/6

Theo đại biểu Tạ Đình Thi, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ và toàn diện các yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, cụ thể là: Nâng cao năng lực của ngành Dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Bên cạnh đó, công tác điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải được phát triển trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại và huy động nguồn lực từ bên ngoài và nội tại của đất nước. Khai thác tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, tận thu và không bỏ phí tài nguyên dầu khí, đảm bảo an toàn môi trường.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời và đưa vào sử dụng đảm bảo giá trị vốn có (làm nhiên liệu, nguyên liệu). Quản lý các hoạt động dầu khí theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế và tuân thủ các quy định của Nhà nước nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư.

Điều cần quan tâm đặc biệt là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển, đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Đó là những nội dung cốt lõi cần được nghiên cứu, rà soát và bổ sung vào các điều, khoản có liên quan của dự thảo Luật.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, ngoài việc điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí và các hoạt động liên quan, cần quan tâm đến hoạt động chế biến để tạo các sản phẩm hóa dầu với giá trị gia tăng cao hơn và phù hợp với định nghĩa ở Khoản 9, Điều 3 và bổ sung giải thích từ ngữ về điều tra cơ bản dầu khí trong dự thảo Luật.

Công tác điều tra cơ bản dầu khí cần đầu tư nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi vào Điều 5 để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí cũng như các hoạt động dầu khí khác, nhất là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Mặt khác, cần có cơ chế để kết hợp các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của các cơ quan, chia sẻ thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng điều tra biển.

Đối chiếu theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại Khoản 2 Điều 13 thì dự án điều tra cơ bản dầu khí sẽ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Như vậy, quy định tại Điều 4 sẽ không giải quyết được mẫu thuẫn, xung đột giữa Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung nội dung này vào Khoản 5, Điều 9 và bổ sung một khoản vào Điều 9 để giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức thực hiện, sử dụng thông tin dữ liệu và kết quả điều tra cơ bản về dầu khí; làm rõ cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (giao nhiệm vụ hay đấu thầu) và các trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án, dự án, báo cáo kết quả thực hiện điều tra cơ bản dầu khí.

Rà soát các quy định tại các Điều 11, Điều 12 để bảo đảm không ách tắc việc triển khai các dự án hiện nay và tránh sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ quản lý đối với dự án điều tra cơ bản dầu khí phi truyền thống; nghiên cứu tách riêng quy định về điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí truyền thống và phi truyền thống vì tài nguyên dầu khí truyền thống hoàn toàn do Bộ Công Thương quản lý, trong khi đó tài nguyên dầu khí phi truyền thống còn có sự chủ trì/tham gia thực hiện của các bộ, ngành khác và do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.

Ngoài ra, về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí, đại biểu cho hay, vấn đề môi trường lớn nhất trong hoạt động dầu khí là sự cố tràn dầu. Các sự cố tràn dầu “không rõ nguyên nhân” diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế và để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường biển.

Nguy hiểm hơn, khó phát hiện hơn và gây hậu quả lâu dài là hiện tượng dầu âm thầm rò rỉ, thoát ra biển do các hoạt động dầu khí như: xử lý không tốt các lỗ khoan thăm dò và lỗ khoan sau khai thác, khi triển khai hoạt động khai thác, thu dọn công trình dầu khí…

"Do đó, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ và bổ sung vào trong dự thảo Luật các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và cơ quan quản lý trong việc xây dựng, trình duyệt và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường" - đại biểu Tạ Đình Thi nêu.

PVN cần lập kế hoạch, lựa chọn nhà thầu báo cáo Bộ Công Thương thẩm định

Góp ý vào nội dung dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Phạm Đức Ấn - đoàn Hà Nội nhấn mạnh, hoạt động dầu khí có tính đặc thù và rủi ro rất cao, có gắn kết chặt chẽ với lĩnh vực quốc phòng, an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia đòi hỏi phải có những quy phạm pháp luật chuyên biệt để điều chỉnh.

Đặc biệt là Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), vừa thực hiện vai trò của một doanh nghiệp nhà nước vừa thực hiện nhiệm vụ vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp.

Về vấn đề áp dụng pháp luật theo Điều 4 của dự thảo luật, đại biểu Phạm Đức Ấn cho biết, tại khoản 2 dự thảo quy định trường hợp có quy định: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành về thẩm thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí”.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, việc đề cập luật khác ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành là không cần thiết. Bởi tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ: Trong trường hợp các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Vấn đề thứ hai là về lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí theo Chương III của dự thảo, từ Điều 16 đến Điều 19 của dự thảo có đề cập đến các hình thức đấu thầu rộng rãi, hạn chế, đấu thầu cạnh tranh, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, trong đó đưa ra các quy trình thực hiện là không cần thiết. Theo đại biểu, những nội dung này về mặt quy trình thủ tục đã được quy định trong Luật Đấu thầu.

Ngoài ra, tại điểm a khoản 1 Điều 21 quy định là tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí quy định: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch đấu thầu; hoặc đề nghị áp dụng hình thức chào thầu cạnh tranh; hoặc chỉ định thầu hoặc đề xuất phương án lựa chọn nhà thầu theo quy định, trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Công Thương thẩm định trình Chính phủ phê duyệt.

Đối với quy định này, đại biểu đề nghị sửa đổi lại: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch, lựa chọn nhà thầu báo cáo Bộ Công Thương thẩm định trình Chính phủ phê duyệt. Bởi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu sẽ phải có đề xuất lựa chọn hình thức nào; đấu thầu chào hàng cạnh tranh; đấu thầu rộng rãi; chỉ định thầu hoặc phương án đặc biệt.

Quy định như vậy vừa đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu nhưng cũng không ảnh hưởng đến hoạt động đặc thù của lĩnh vực dầu khí. Tại Điều 30 quy định về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng dầu khí và hoạt động dầu khí quy định: các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dầu khí, trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải.

Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp có thể giải quyết trọng tài hoặc tòa án theo quy định của Luật Đầu tư. Đại biểu cho rằng, quy định này không mang tính chất quy phạm mà chỉ mang tính chất hướng dẫn thì không cần thiết….

Quỳnh Nga - Lan Anh
Bài viết cùng chủ đề: Vụ Dầu khí và Than

Tin cùng chuyên mục

Tuyên bố chung Việt Nam-Bulgaria: Đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực

Nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in

Kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến: Thiết lập chế tài mạnh

Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Bulgaria

Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev gặp gỡ bạn bè Việt Nam từng học tập, làm việc tại Bulgaria

Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Đại biểu bàn phân cấp, phân quyền

Tổng thống Bulgaria đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chào xã giao lãnh đạo Campuchia nhân dịp dự IPTP 11

Củng cố nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nam-Malaysia

Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Nhiều ý kiến đóng góp tích cực, bổ sung cho dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng ngành hóa chất hiện đại

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Đại học Quốc gia Malaya

Đại biểu Quốc hội: Cần thống nhất một đầu mối quản lý nhập khẩu, kinh doanh hóa chất

Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ về Luật Hóa chất (sửa đổi)

Tổng Bí thư và Phu nhân lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Malaysia