Đại biểu quốc hội: Có hay không lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế?
Tuân thủ quy định sẽ không có hiện tượng lợi ích nhóm, cục bộ
Chiều 9/6, phát biểu tranh luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Cầm Hà Chung – đoàn Phú Thọ đặt vấn đề: Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng đâu đó vẫn còn lợi ích nhóm, cục bộ ngành chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá vấn đề này như thế nào và có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn |
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, việc có lợi ích nhóm hay không thì phải chỉ ra cụ thể. Trong xây dựng quy định văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan soạn thảo phải tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động chính sách, đề nghị xây dựng văn bản, lấy ý kiến đánh giá tác động chính sách, tổ chức hội nghị hội thảo để đánh giá, tiếp thu. Qua quá trình đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến, qua thẩm định của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội, củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu quả của các cơ quan pháp chế thuộc các Bộ.
Phó Thủ tướng chỉ ra, cơ quan soạn thảo lấy ý kiến xong sẽ thẩm định và Chính phủ tổ chức các phiên họp chuyên đề về luật pháp, phiên họp Chính phủ, xem xét trước khi trình ra Quốc hội. Với quy định nêu trên, nếu tuân thủ quy định văn bản như vậy, thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ là rất khó.
"Chính phủ đề ra quy định và có giải pháp là cần minh bạch quá trình, quy trình xây dựng. Yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, các bộ trưởng, thủ trưởng người đứng đầu cơ quan, phát huy vai trò của Ban soạn thảo", Phó Thủ tướng cho hay.
Giải ngân vốn ODA vướng mắc do đâu?
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn Bắc Ninh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước từ nguồn ODA năm 2021 là rất thấp, chỉ đạt 32,85% dự toán.
Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc cắt giảm bội chi ngân sách trung ương chủ yếu do cắt giảm từ nguồn vốn ODA chưa thực hiện giải ngân phải hủy dự toán lên đến 29,1 nghìn tỷ đồng. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian qua, Chính phủ có những chỉ đạo và giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn ODA trong năm 2022 và những năm tiếp theo?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, việc giải ngân vốn ODA trong nhiều năm nay luôn luôn thấp so với tình hình giải ngân chung. 5 tháng đầu năm nay mức giải ngân là 6,26%, có nguyên nhân khách quan, tình hình COVID-19 ảnh hưởng nhất định tới chuyên gia và nhà tài trợ nước ngoài và chúng ta từng bước giải quyết.
Phó Thủ tướng nêu, thủ tục quy trình giữa ta và nhà tài trợ có sự khác biệt. Trong quá trình mong muốn yêu cầu hài hòa hóa thủ tục nhưng còn nhiều khó khăn. Hiện có 6 ngân hàng cho vay nhưng mỗi ngân hàng có quy định riêng. Có nhà tài trợ yêu cầu khi giải ngân được nguồn vốn nào đó phải có thư, để làm được phải mất thời gian dài. Thêm nữa là giải phóng mặt bằng.
Về chủ quan, Phó Thủ tướng nhìn nhận còn có vấn đề trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, năng lực còn hạn chế. Trong các nguồn vốn ODA cần có nguồn vốn đối ứng, làm cho tình hình giải ngân có khó khăn.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng thông tin, Chính phủ chỉ đạo là rà soát, sửa đổi quy định pháp lý; rà soát thủ tục; thủ tục giải ngân vốn ODA.