Đà Nẵng: Xã miền núi Hòa Bắc làm du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững
Du lịch cộng đồng – tạo sinh kế và gìn giữ văn hóa
Xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) là một trong số ít xã miền núi tại TP. Đà Nẵng. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi về cảnh sắc và khí hậu với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, có lợi thế du lịch về sông suối. Đặc biệt, Hòa Bắc có văn hóa truyền thống của người Cơ tu, còn giữ được bản sắc riêng.
Du lịch cộng đồng vừa giúp phát triển kinh tế xã miền núi Hòa Bắc, vừa tạo sinh kế cho người dân và góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn quá đặc sắc của dân tộc Cơ Tu |
Ông Hồ Phú Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết là một xã miền núi thuần nông nghiệp, kinh tế Hòa Bắc những năm qua chủ yếu dựa vào nông nghiệp với một số cây chủ lực như mía, ngô, dưa hấu. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của huyện về phát triển du lịch sinh thái đã mở ra cho xã hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Hiện nay, Hòa Bắc có 21 điểm du lịch, trong đó có 5 điểm du lịch sinh thái, 16 điểm du lịch cộng đồng và lưu trú phục vụ khoảng 30.000 lượt du khách đến với xã mỗi năm.
Phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc trong thời gian qua không chỉ tạo sinh kế cho nhiều người dân tại xã mà còn thông qua đó bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa của đồng bào Cơ tu. “Xã Hòa Bắc hiện có 2 thôn đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống có bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc. Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào Cơ Tu đem lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm cho người dân và bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương”, ông Thanh nói.
Ông A Lăng Mỹ (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) là một trong những thành viên lớn tuổi nhất của đội múa Tung Tung Da Dá của người Cơ Tu tại thôn Giàn Bí. Năm nay 65 tuổi, già A Lăng Mỹ là người đi đầu gõ chiêng mở đầu điệu múa của dân tộc mình. “Trước đây điệu múa Tung Tung Da Dá chỉ được biểu diễn vào các dịp lễ Tết của người Cơ tu. Giờ đây, chúng tôi có thể mang nét văn hóa của dân tộc mình ra biểu diễn phục vụ khách du lịch, vừa là hoạt động bảo tồn văn hóa Cơ Tu nhưng cũng tăng thêm thu nhập cho người dân”, già A Lăng Mỹ chia vẻ và cho biết thêm: Từ ngày làm du lịch cộng đồng, các cháu thanh niên rất siêng năng và tích cực hơn trong luyện tập và biểu diễn. Văn hóa của của dân tộc Cơ Tu cũng theo đó được bảo tồn và phát huy.
Người Cơ Tu phục vụ ẩm thực cho khách du lịch |
Tham gia tích cực các hoạt động để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của người Cơ Tu, em Nguyễn Thị Lệ (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) cho biết khi làm du lịch cộng đồng nhiều nét văn hóa của người Cơ Tu như dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ, múa hát truyền thống… được lan tỏa, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng. “Nếu như trước đây người Cơ Tu chỉ biết sống nhờ rừng, nhờ suối thì bây giờ thanh niên của làng đã có thể làm du lịch để phát triển kinh tế. Cũng từ đó bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa của người Cơ Tu”, Lệ chia sẻ.
Du lịch sinh thái cộng đồng – hướng phát triển xanh, bền vững
Theo Nguyễn Thúc Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, trong những năm qua, huyện luôn được TP. Đà Nẵng quan tâm đầu tư thí điểm phát triển du lịch cộng đồng với các mô hình homestay mô phỏng theo các nhà Gươl truyền thống làm trung tâm. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, dự án để nâng cao năng lực cộng đồng; đẩy mạnh việc phục dựng khôi phục các lễ hội truyền thống các hoạt động văn hóa truyền thống; mở lớp dạy khôi phục làng nghề; để bà con làm du lịch cộng đồng. Đây là điểm khởi đầu, là nền móng cho việc phát triển Du lịch cộng đồng của huyện Hòa Vang mang lại hiệu quả về kinh tế, tạo được việc làm. “Du lịch hiện đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều người dân tại xã Hòa Bắc nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung. Góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu”, ông Dũng nói và cho biết thêm, đến nay, trên toàn huyện có 8 địa điểm du lịch cộng đồng tập trung tại 3 cụm: Tà Lang - Giàn Bí – Nam Yên (Hòa Bắc); cụm Túy Loan-Thái Lai (Hòa Nhơn); cụm Trung Nghĩa-Đông Sơn-Hòa Trung (Hòa Ninh). Du lịch cộng đồng không chỉ làm kinh tế, còn phát huy văn hóa của địa phương, góp phần làm đa dạng thêm cho ngành du lịch Đà Nẵng.
Du khách tham gia sinh hoạt cộng đồng cùng đồng bào dân tộc Cơ tu |
Để du lịch cộng đồng phát triển hiệu quả và bền vững, từ thực tiễn hoạt động, đại diện UBND xã Hòa Bắc đề xuất cần có chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích người dân phát triển du lịch homestay, vườn rừng, sản xuất hàng lưu niệm thông qua việc hỗ trợ vốn (hỗ trợ không hoàn lại hoặc lãi suất thấp); hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm dệt, đan lát, thủ công mỹ nghệ của địa phương; hỗ trợ người dân làm du lịch trong nâng cao năng lực nghiệp vụ du lịch (quản lý và phục vụ du khách); đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn tại các khu điểm du lịch để tạo sự thuận lợi trong kết nối tour, tuyến du lịch;…
Theo ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường thiên nhiên Đà Nẵng, huyện Hòa Vang là địa phương làm du lịch cộng đồng trên nền tảng có pháp lý. Thực tiễn hoạt động du lịch cộng đồng tại xã Hòa Bắc nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung đã thể hiện được sự gắn kết, quan trọng nhất là bảo vệ được hệ sinh thái, tạo sự gắn kết giữa xã hội, con người và hệ sinh thái tự nhiên, có sự gắn kết đó thì mới có bảo tồn hướng đến hệ sinh thái bền vững. “Hòa Vang đã chọn du lịch cộng đồng hướng đi đúng, tiến đến phát triển bền vững. Đây là loại hình phù hợp với nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đồng thời gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa”, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang nhấn mạnh.