Đà Nẵng: Thương mại - dịch vụ là trụ đỡ chính của kinh tế thành phố năm 2022
Sáng 30/12, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo thông báo kết quả phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2022.
Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết kinh tế Đà Nẵng đã có tín hiệu phục hồi tích cực, quy mô kinh tế đã mở rộng hơn 14.000 tỷ so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid - 19) |
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước đạt 125.219 tỷ đồng, mở rộng 17.381 tỷ đồng so với năm 2021, và 14.032 tỷ đồng so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid – 19).
Với việc mở rộng mô mô kinh tế, GRDP Đà Nẵng 2022 tăng 14,05% so với năm 2021. Xếp thứ 3 cả nước, chỉ sau Khánh Hòa và Bắc Giang.
Công nghiệp và xây dựng Đà Nẵng năm 2022 tăng 6,39% so với năm 2021, quy mô giá trị tăng thêm toàn khu vực ước đạt 25.576 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp giữ vai trò chủ yếu trong tăng trưởng khu vực này khi tăng 8,9% (ngành xây dựng chỉ tăng 0,31%).
Thương mại – dịch vụ là trụ đỡ chính của kinh tế thành phố năm 2022 khi tăng 17,85%. Doanh thu lĩnh vực dịch vụ đã trở lại cao hơn so với trước dịch Covid – 19 (so với năm 2019). Trong khi đó lĩnh vực thương mại tăng trưởng 15%, ước đạt 65.823 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa thành phố năm 2022 ước đạt 3,26 tỷ USD (đến hết tháng 11/2022 - số liệu công bố tại họp báo).
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,91 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 132 triệu USD, tăng tới 34% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,35 tỷ USD.
Giá trị xuất khẩu đã đóng góp đến 0,45 điểm % trong mức tăng GDRP thành phố, cao hơn rất nhiều so với năm 2019 (năm 2019 mới đóng góp 0,03 điểm %)
Tỷ lệ thất nghiệp tại thành phố là 2,25%, thấp hơn nhiều tỷ lệ 7,71% năm 2021.
Hạn chế của kinh tế Đà Nẵng trong năm qua là giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 mới đạt 88,2% kế hoạch, ước khoảng 5.687 tỷ đồng, giảm 14,2% so với năm 2021; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên GRDP ước đạt 29,5%, thấp nhất từ năm 2010 đến nay.
Thu hút đầu tư Đà Nẵng năm 2022 ghi nhận sự trái chiều ở khu vực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Trong năm (tính đến 15/12), thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 13.869 tỷ đồng, tăng 79% số vốn đăng ký so với năm 2021. Ngược lại, thu hút vốn FDI lại chỉ bằng 46,8% so với năm 2021. Cụ thể, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 50 dự án FDI mới, nhưng tổng vốn đăng ký chỉ đạt 70,24 triệu USD.
Năm 2023, thành phố Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch – thương mại; thực hiện hiệu quả kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển logistics; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hội kinh doanh; tăng khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn vay, đất đai, thuế, phí, lao động…cho doanh nghiệp; tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng cho thấy có tới 42,9% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh quý IV/2022 khó khăn hơn quý trước, chỉ có 27,1% cho rằng tình hình tốt hơn, còn lại là hoạt động ổn định. |