Đà Nẵng – “Thành phố môi trường” loay hoay xử lý ô nhiễm môi trường
Đà Nẵng đang đối mặt với “khủng hoảng rác”
Tại chương trình, nhiều đại biểu, cử tri đã đặt câu hỏi về vấn đề xử lý rác thải của TP. Đà Nẵng cũng như hướng xử lý bãi rác Khánh Sơn gây bức xúc dư luận kéo dài.
Chỉ còn 230 ngày nữa bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy |
Đại biểu Phan Tấn Xử - Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP. Đà Nẵng - cho rằng, vấn đề xử lý bãi rác Khánh Sơn và dự án khu xử lý nhà máy rác, chính quyền đã cam kết rất nhiều lần, nhưng thực hiện chưa được thì trách nhiệm thế nào. “Nếu cam kết mà thực hiện không được thì ai chịu trách nhiệm. Trước đây, dự án nhà máy xử lý rác của Công ty CP Môi trường Việt Nam khánh thành chính quyền quận Liên Chiểu và người dân khu vực xung quanh bãi rác Khánh Sơn rất phấn khởi. Nhưng rồi hoạt động chưa được 1 năm đã đóng cửa. Đà Nẵng là “thành phố môi trường” mà dự án hoạt động không hiệu quả và đóng cửa cả một thời gian dài mà chính quyền thành phố không xử lý, cứ loay hoay đi tìm bãi rác mới”, ông Xử nói.
Trả lời vấn đề này, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, vấn đề môi trường ở bãi rác Khánh Sơn xử lý vô cùng khó. Đến thời điểm hiện tại, bãi rác này đã tiếp nhận hơn 3,2 triệu tấn rác thải với công suất trung bình 1.100 tấn rác thải/ngày, chưa tính đến các loại rác thải y tế, phân bùn bể phốt….
Hiện nay, sức chịu tải của bãi rác Khánh Sơn là vô cùng lớn. “Theo tính toán, đến tháng 9/2019, bãi rác Khánh Sơn sẽ không đủ khả năng chôn lấp được nữa. Và TP. Đà Nẵng đang thực sự đối mặt với khủng hoảng của rác”.
Di dời người dân quanh khu vực ô nhiễm, hình thành khu liên hợp xử lý rác
Theo ông Tô Văn Hùng, năm 2019, TP. Đà Nẵng xác định ưu tiên các dự án về môi trường. Trong đó, cấp thiết nhất là xử lý bãi rác Khánh Sơn theo hướng giữ nguyên không đóng cửa bãi rác mà tăng cường diện tích phủ bạt, đầu tư hộc chôn lấp số 6, 7, nâng công suất trạm xử lý nước rỉ rác lên 1.150 m3/ngày đêm.
“Nhiều đại biểu và cử tri đặt câu hỏi đóng cửa hay di dời. Tại sao lại đóng cửa? Đóng cửa có khắc phục được tình trạng môi trường ở bãi rác Khánh Sơn hay không và di dời bãi rác thì di dời đi đâu? Trên cơ sở tính toán, lãnh đạo thành phố thống nhất sẽ không đóng cửa bãi rác Khánh Sơn mà nâng cấp thành khu liên hợp xử lý rác đảm bảo đầy đủ tất cả các quy chuẩn. Nâng cấp đổi mới công nghệ nhà máy xử lý rác của Công ty CP Môi trường đô thị Việt Nam với công suất 650 tấn/ngày, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đi vào hoạt động. Sau đó, sẽ kêu gọi một dự án nhà máy xử lý rác công suất 1.500 tấn/ngày. Bên cạnh đó, tính toán di dời các hộ dân trong khu vực ô nhiễm môi trường”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho rằng, để xảy ra vấn đề ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn một phần là do Đà Nẵng “du di” tạo điều kiện cho hơn 300 người dân vào nhặt rác (phế liệu) nên gây ra tình trạng chưa phủ bạt lập tức, khiến phát tán ô nhiễm.
Để giảm áp lực thu gom rác, trong năm 2019, Đà Nẵng sẽ triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn thành phố (đã thí điểm ở Hải Châu và Thanh Khê được 2 năm). Bên cạnh đó, đầu tư 2 trạm trung chuyển rác, mục tiêu đến năm 2023 sẽ đầu tư được 5 trạm trung chuyển.
Đối với dự án khu liên hợp xử lý rác Hòa Nhơn, ông Hùng cho biết, TP. Đà Nẵng chưa thể đầu tư dự án này vì hạ tầng, vị trí chưa đảm bảo đưa dự án này vào quy hoạch lâu dài.
Đối với dự án nhà máy xử lý rác của Công ty CP Môi trường Việt Nam, Dự án này đã có hơn 10 năm, qua 2 lần điều chỉnh thay đổi nhưng hoạt động vẫn không thành công nên đóng cửa. Hiện tại, TP. Đà Nẵng đang thúc đẩy dự án nâng cấp công nghệ, có thể liên doanh để hoạt động trở lại, dự kiến vào cuối năm 2020.
Ngoài vấn đề bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng cũng đang loay hoay xử lý nước thải tràn ra biển sau mỗi trận mưa |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ - thừa nhận, TP. Đà Nẵng đang có nguy cơ “khủng hoảng rác”, chậm 1 ngày thì đường ngập rác, phố ngập rác, an ninh xã hội "vỡ trận". “Bãi rác Khánh Sơn chỉ chứa tối đa 230 ngày nữa là đầy. Từ nay đến đó Đà Nẵng sẽ làm được gì?”, ông Thơ nói và cho biết, trước mắt và khẩn cấp nhất là thực hiện nâng cấp bãi rác, bao gồm xử lý cho hợp vệ sinh, cải tạo bãi rác để có thể chứa thêm rác trong thời gian đợi nhà máy rác vận hành. Đối với dự án của Công ty CP Môi trường Việt Nam sẽ thúc ép tiến độ nâng cấp công nghệ để hoạt động lại với công suất 650 tấn/ngày. Sau đó tính đến các dự án tiếp thêm, hướng tới tổng thể bãi rác Khánh Sơn trở thành khu xử lý rác liên hợp.
Trong chương trình, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề xả thải ven biển, vấn đề xả thải do các quán tạm kinh doanh hải sản xả ra; sự xuống cấp của hệ thống thu gom nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành…. Về những vấn đề này, ông Tô Văn Hùng cho biết, Sở mới tiến hành kiểm tra và xử 13 đơn vị kinh doanh dịch vụ tại khu vực Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo hướng tạm dừng hoạt động, thi công, đóng cửa để khắc phục. “Có một thực tế là qua kiểm tra không có bất kỳ một cơ sở nào có đấu nối với trạm xử lý nước thải đúng quy chuẩn”, ông Hùng nói.
Còn ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng - cho rằng, “Đà Nẵng đang rơi vào tình trạng mưa thì trông cho nắng (để không bị tràn nước thải ra biển), nắng thì trông cho mưa (để giảm mặn tại sông Cu Đê); lúc trước, chưa phát triển được thì ước phát triển những công trình lớn, giờ phát triển lên thấy bất cập (phát triển “nóng” tại khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) lại ước trở lại ngày xưa!. Chúng ta đang đối diện với nhiều vấn đề giữa phát triển với lợi ích cộng đồng, doanh nghiệp với cộng động, giữa lịch sử với hiện tại và giữa pháp lý, nguồn tài chính với mong ước. Tất cả yêu cầu phải có sự đồng thuận cao của tất cả các cấp, ngành, chính quyền và nhân dân để giải quyết được những vấn đề này”.