Dự án Cảng Liên Chiểu dự kiến có tổng mức đầu tư lên đến 32.861 tỷ đồng |
Trong đó, đáng chú ý là 2 dự án có tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng: dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu, và dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng & Đổi mới đô thị tích hợp Đà Nẵng. Dự án Cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư dự kiến là 32.861 tỷ đồng được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn khởi động (năm 2022) có tổng mức đầu tư 7.378 tỷ đồng sẽ xây dựng 02 khu bến đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU, năng lực thông qua cảng năm 2022 khoảng 5 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2 (năm 2030) sẽ xây dựng 05 khu bến, tổng chiều dài tuyến bến mở rộng thêm L=880m; năng lực thông qua cảng năm 2030 khoảng 17 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 7.857 tỷ đồng. Giai đoạn 3 (năm 2050) có tổng mức đầu tư 17.626 tỷ đồng sẽ xây dựng chiều dài tuyến bến mở rộng thêm L=2.280m, nâng số bến lên 12 bến, chiều dài tuyến bến L=3.740m, tuyến bến dự phòng có chiều dài 2.040 m; năng lực thông qua cảng năm 2050 khoảng 46 triệu tấn.
Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng & Đổi mới đô thị tích hợp Đà Nẵng có tổng vốn dự kiến 13.666 tỷ đồng. Được tách làm 2 dự án nhỏ triển khai song song.
Trong đó, dự án ga đường sắt 5.764 tỷ đồng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 3.393 tỷ đồng, trong đó thành phố đóng góp: 1.603,4 tỷ đồng thông qua khai thác quỹ đất toàn bộ khu vực nhà ga cũ và ngân sách địa phương. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tự đầu tư: 86 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương: 1.703,6 tỷ đồng (dự kiến bố trí trong vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015-2020 hoặc vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn ODA). Giai đoạn 2 sẽ có tổng mức đầu tư 2.371 tỷ đồng.
Dự án đổi mới đô thị tích hợp Đà Nẵng có tổng vốn dự kiến của dự án: 345,67 triệu USD (tương đương 7.902,04 tỷ đồng), trong đó vốn vay ưu đãi của WB là 207,12 triệu USD (tương đương 4.734,75 tỷ đồng) và vốn đối ứng là 138,55 triệu USD (tương đương 3.167,29 tỷ đồng). Dự kiến nguồn vốn vay WB sẽ chi trả các hoạt động xây lắp, tư vấn; nguồn vốn đối ứng sẽ chi trả cho các hoạt động đền bù giải tỏa, quản lý dự án và chi phí khác. Bên cạnh phương án đầu tư theo hình thức vay vốn của WB, thành phố Đà Nẵng cũng kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đề xuất dự án theo hình thức PPP.
Các dự án còn lại cũng dự kiến có mức đầu tư “khủng”. Dự án phát triển giao thông phi cơ giới và ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong quản lý điều hành giao thông với tổng mức đầu tư dự kiến 3.339 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức ODA hoặc PPP. Dự án tàu điện kết nối giữa Đà Nẵng và Hội An có tổng mức đầu tư dự kiến từ 330 – 660 triệu USD (7.497 – 14.995 tỷ đồng), hình thức đầu tư ODA hoặc PPP. Dự án Xây dựng thành phố thông minh với tổng mức đầu tư 2.115 tỷ đồng, với 82 chương trình, dự án. Cả 3 dự án đều dự kiến triển khai trong giai đoạn 2019 – 2025.
Đà Nẵng cũng kêu gọi nhà đầu tư xây dựng mới 3 các khu công nghiệp gồm KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 với tổng diện tích 125,1 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; KCN Hòa Ninh với tổng diện tích hơn 400 ha, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng; KCN Hòa Nhơn với tổng diện tích 405,5 ha, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.
Đối với dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo hình thức PPP, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất nhà đầu tư nghiên cứu thực trạng về rác thải TP. Đà Nẵng; đề xuất công nghệ và phí xử lý phù hợp; tham gia đấu thầu dự án dự kiến tổ chức đầu năm 2019.
Theo lãnh đạo TP. Đà Nẵng, thành phố mong muốn 7 dự án đầu tư trên sẽ được đầu tư và triển khai ngay từ năm tới (2019) để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững về các mặt: môi trường, phát triển đô thị xanh, giao thông thông minh, xây dựng thành phố kết nối.