Đà Nẵng: Báo động nợ xấu cho vay theo Nghị định 67
Đó là thông tin do ông Trần Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng cung cấp về kết quả thực hiện chính sách tín dụng phát triển thủy sản theo Nghị định số 67.
Theo đó, qua 4 năm triển khai, 9/10 dự án đóng mới, nâng cấp tàu cá được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt đã được các chi nhánh tài chính tín dụng trên địa bàn TP. Đà Nẵng cho vay vốn với tổng vốn cam kết giải ngân là 120,39 tỷ đồng, doanh số cho vay là 118,38 tỷ đồng, tổng dư nợ đến hết ngày 31/10/2018 là 111,71 tỷ đồng.
Ông Trần Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng |
Chính sách cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67 đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của các chi nhánh tín dụng trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, chuyển đổi tích cực trong lĩnh vực kinh tế biển và góp phần thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Mặc dù vậy, chính sách vay vốn luôn đi kèm với những rủi ro tín dụng, và dù TP. Đà Nẵng là một trong những địa phương có quy trình xét duyệt hồ sơ đăng ký vốn vay chặt chẽ nhất, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, hạn chế thấp nhất rủi ro tín dụng thì qua thực tế triển khai Nghị định 67 vẫn gặp không ít vướng mắc khiến nợ xấu tăng cao.
“Hiện kết quả cho vay của các khách hàng ảnh hưởng rất lớn đến chính sách phát triển thủy sản nói chung và hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói riêng. Bên cạnh đó, ngân hàng không có cơ chế kiểm soát lịch trình của tàu cá, có hiện tượng khách hàng báo lỗ trong các chuyến khai thác, do đó rất khó đánh giá hiệu quả khai thác để làm cơ sở thu hồi nợ. Một số khách hàng có tâm lý chây ỳ trong trả nợ, không thực hiện đúng cam kết tín dụng đã ký với ngân hàng”. Ông Trần Trọng Nghĩa nói và cho biết thêm, tổng mức đầu tư để đóng mới tàu vỏ thép là khá cao, nhưng theo quy định của Nghị định 67 thì số vốn tự có của ngư dân chỉ cần tối thiểu 5% dẫn đến khoản vay ngân hàng lớn (95%). Điều này dẫn đến áp lực trả nợ của ngư dân rất lớn; nếu tình hình ngư dân khai thác trên biển không thuận lợi chắc chắn sẽ khó khăn trong trả nợ. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 67 thì tài sản thế chấp của ngư dân là chiếc tàu hình thành từ vốn vay, nhưng thực tế, thị trường giao dịch của tài sản này là rất hạn chế và ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi xử lý tài sản đảm bảo nếu xảy ra nợ xấu.
Chính sách cho vay theo Nghị định 67 tại TP. Đà Nẵng còn nhiều khó khăn khiến tổng nợ xấu phát sinh hiện tại lên đến 74,55 tỷ đồng |
Tính đến ngày 31/10/2018, nợ xấu của 5/9 tàu cá được vay vốn của chương trình đã phát sinh là 74,55 tỷ đồng.
Cụ thể, ông N.S vay vốn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương – CN Đà Nẵng đóng mới 2 tàu dịch vụ hậu cần và khai thác hải sản xa bờ với tổng số vốn đã giải ngân lũy kế là 27,032 tỷ đồng. Nợ xấu là 24,073 tỷ đồng, phát sinh từ tháng 9/2018. Nguyên nhân được ngư dân N.S đưa ra là do lợi nhuận các chuyến khai thác rất thấp, các chuyến đi biển gần đây bị lỗ.
Ông T.V.M vay đóng mới 1 tàu khai thác hải sản xa bờ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển - CN Đà Nẵng với tổng vốn đã giải ngân là 17,236 tỷ đồng. Do không thực hiện đúng lịch trả nợ tại hợp đồng tín dụng đã ký kết, tháng 10/2017 khoản nợ này đã chuyển thành nợ xấu. Tính đến 31/10, tổng nợ xấu của ông T.V.M là 15,982 tỷ đồng.
Còn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển – CN Hải Vân cũng có 2 trường hợp phát sinh nợ xấu là ông L.V.S và ông Đ.N.M.T với số vốn vay lần lượt là 19,36 tỷ đồng và 16,35 tỷ đồng. Nợ xấu của 2 trường hợp này đến 31/10 lần lượt là 18,64 tỷ đồng và 15,85 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trường hợp của ông L.V.S, mặc dù được vay vốn đóng tàu nhưng từ tháng 9/2017 tàu cá của ông L.V.S liên tục nằm bờ, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, không có nguồn thu trả nợ; nhiều trang thiết bị, ngư lưới cụ được đầu tư bằng vốn vay ngân hàng không có ở trên tàu và tàu chưa được cấp phép khai thác thủy sản. Ông L.V.S cũng chưa thực hiện thủ tục mua bảo hiểm cho tàu cá.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - CN Đà Nẵng đề nghị cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ các nguồn hỗ trợ ngư dân về tài khoản ngân hàng để quản lý dòng tiền và thu nợ; cũng như quản lý, kiểm tra tàu cá tránh tình trạng xuống cấp thất thoát tài sản cũng như đánh giá đúng tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng. Về phía ngư dân, đề nghị thực hiện đúng cam kết với ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký kết giữa 2 bên.