Cuộc thi Dự án khởi nghiệp: Nhiều dự án tài nguyên bản địa ứng dụng công nghệ
Thí sinh đại diện dự án đang thuyết trình tại vòng thi chung kết |
Được phát động từ tháng 5/2018, cuộc thi “Dự án khởi nghiệp lần 4" đã thu hút 159 dự án, ý tưởng nộp hồ sơ tham gia, tăng gần 30% so với cuộc thi lần 3 năm 2017.
Qua vòng bán kết, Hội đồng giám khảo đã chọn ra 34 dự án xuất sắc lọt vào chung kết nhờ có sự vượt trội về cả nội dung lẫn tính thực tế, thực tiễn trong cuộc sống. Hầu hết dự án đã đưa được đặc tính bản địa vào sản phẩm rất rõ ràng và có ý nghĩa.
Mô hình dự án Máy lọc nước biển thông minh - Lâm Đồng |
Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế, Ban giám khảo vòng thi chung kết- nhìn nhận, các dự án tham gia cuộc thi, đều thể hiện được thái độ làm việc nghiêm túc trong việc tìm hiểu, xây dựng đề án kinh doanh, phát triển thị trường. Sản phẩm của các dự án này đã được thương mại hóa, đáp ứng được nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, thể hiện rõ mục tiêu và khát vọng vươn xa hơn, nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm.
Vòng chung kết 2, sẽ diễn ra trong 2 ngày 27 - 28/10, 34 dự án sẽ tham gia trưng bày sản phẩm và thuyết trình để chọn ra ngôi vị quán quân năm nay đến từ các tỉnh/thành như: Bến Tre (7 dự án), Đồng Tháp (5 dự án), Lâm Đồng (3 dự án), TP. Hồ Chí Minh - - Bắc Kạn (2 dự án). Các dự án còn lại thuộc về: An Giang, Cà Mau, Đà Nẵng, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Hậu Giang, Phú Thọ, Sóc Trăng, Sơn La và Trà Vinh.
Giới thiệu các dự án khởi nghiệp bên lề cuộc thi chung kết |
Đặc biệt, trong số 34 dự án tranh tài tại vòng chung kết, có 11 dự án của dân tộc thiểu số như: Xê Đăng, Churu, K'Ho, Nùng, Thái, Cờ Lao, Pu péo, H'Mông, Tày, Dao, Mường...
Một số dự án đáng chú ý tại vòng chung kết này là gia vị “Chẩm chéo” của dân tộc Thái, do Đặng Thị Huyền Mi, Sơn La được phát triển thông qua đề tài “Phát triển thị trường cho sản phẩm gà nướng & chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái - Tây Bắc; Lưu Thị Hòa, Hà Giang mang đến cuộc thi các sản phẩm nông nghiệp của đồng bào dân tộc Cờ Lao với dự án “Farmstay – Nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Văn”; Dự án khô cá tra file Ngọc Diệp của Phan Thị Thúy Lan, Đồng Tháp được nảy sinh ý tưởng thành sản phẩm từ thực tế những khó khăn của nông dân nuôi cá tra tại địa phương….
Dự án sản xuất tinh dầu dừa theo PP ủ lên men kết hợp tinh dầu bưởi - Thí sinh Hứa Như Quyên - Bến Tre |
Tại cuộc thi năm nay, Bến Tre đang cho thấy sự vượt trội cả về số lượng và chất lượng của các dự án. Ngoài việc có 7 dự án góp mặt ở chung kết, một số dự án như “Phát triển du lịch cộng đồng C2T” của Võ Văn Phong hay “Phát triển và thương mại hóa Sa sâm Việt” của Phù Tường Nguyên Dũng; Nón xơ dừa của nhóm Nguyễn Phúc Sang được đánh giá cao, trở thành những ứng viên nặng ký cho ngôi vị quán quân của cuộc thi lần 4 này.
Theo ghi nhận của phóng viên, vòng chung kết cuộc thi có nhiều dự án áp dụng công nghệ tốt, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng và tính thương mại cao gồm: “Thiết bị tự động lọc nước ao, hồ, sông thành nước sinh hoạt bằng năng lượng xanh” của Hồ Văn Tuấn, Hậu Giang; “Bột rau má sấy lạnh” của nhóm Nguyễn Ngọc Hương, TP. Hồ Chí Minh hay “Máy lọc nước biển thông minh” của nhóm Lê Kiều Phượng - Trương Minh Quốc, Lâm Đồng; “Tinh dầu xua muỗi Odora” của Đinh Thanh Điền…; Dự án Xử lý rác hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen (sâu canxi) Phú Thọ; Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Farm Hipb đến từ An Giang.
Một góc trưng bày sản phẩm của các thí sinh tại vòng thi chung kết |
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp có các dự án liên quan đến du lịch bản địa tham gia. Với các dự án phát triển du lịch hoặc dịch vụ liên quan, các dự án tập trung vào phân khúc cụ thể và sản phẩm du lịch rất độc đáo.
Những dự án này đã được triển khai, đạt được những ghi nhận tích cực từ cảm nhận của du khách, tạo được sự đổi mới sáng tạo đặc biệt về du lịch cộng đồng, khuyến khích được người dân tham gia, cùng chia sẻ lợi nhuận. Điều này vừa góp phần đặc thù hóa sản phẩm của địa phương, vừa đa dạng hóa sản phẩm theo từng khu vực, vùng miền.
Nhiều dự án du lịch đã có được sự kết hợp, “bắt tay” với những dự án khác để cung cấp sản phẩm đặc sản địa phương tại các điểm dừng chân, các điểm giới thiệu sản phẩm dành cho du khách.
Theo đánh giá của giám khảo tại các vòng bán kết, tổng thể chung thì vấn đề gặp phải của các dự án là về kinh doanh, phát triển thị trường, nên cần được đầu tư thêm về chiều sâu trong xây dựng dự án, cách tiếp cận thị trường, các vấn đề về bao bì, nhãn mác, an toàn thực phẩm…
Dự án khởi nghiệp, do BSA các đối tác chiến lược được khởi động từ năm 2015, nhằm hỗ trợ những thanh niên có ý tưởng, dự án kinh doanh khởi nghiệp phù hợp trong các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, có ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thực hiện sản phẩm. |