Cuộc chiến tài trợ ở Ngoại hạng Anh: Những miếng bánh béo bở
Thị trường chuyển nhượng luôn là "sân khấu" để các ông lớn của Ngoại hạng Anh thị uy sức mạnh với những tờ ngân phiếu cả trăm triệu bảng. Thế nhưng sau khi tiếng chuông báo hiệu phiên chợ đóng cửa thì một cuộc chiến khác đang được diễn ra một cách âm thầm nhưng cũng quyết liệt không kém.
Trong nhiều năm trở lại đây, những cầu thủ luôn bị thét giá trên trời, từ hàng chục tới hàng trăm triệu bảng. Tất nhiên các đội bóng thì vẫn cần phải chiêu binh để bổ sung nhân sự và các cuộc cạnh tranh gay gắt về người mỗi khi "phiên chợ" mở cửa là điều ai cũng đoán được.
Ngoại hạng Anh là mảnh đất màu mỡ cho hàng trăm thương hiệu |
Và để cho các câu lạc bộ (CLB) có thể mạnh dạn mở két xuất tiền, hay thậm chí là mạnh miệng ra giá át vía đối thủ trên bàn đàm phán thì họ cũng cần phải có một nền tảng tài chính đủ tốt. Một trong số những thứ có thể kích thêm cho họ sự tự tin ấy tới từ các hợp đồng tài trợ béo bở, một trong những thứ không thể thiếu được với ngành công nghiệp bóng đá. Hiểu theo một cách đơn giản hơn thì các CLB tại Ngoại hạng Anh cần một nền tảng tài chính vững mạnh và các hợp đồng tài trợ có thể đem tới cho họ một phần trong đó.
Sẽ là không quá nếu như nói rằng cuộc đua trong lĩnh vực kinh doanh và “giành giật” các bản hợp đồng béo bở cũng căng thẳng chẳng kém gì việc các đội bóng tranh nhau một tiền vệ đã được kiểm nghiệm đẳng cấp hay một siêu sao hàng đầu. Đó sẽ là những thứ tác động và quyết định trực tiếp tới "sức khỏe tài chính" của một đội bóng và là lời bảo đảm cho việc các hóa đơn thanh toán được xử lý đúng hạn.
Hiện tại có tới 10 CLB tại Premier League vẫn chưa thể xác định được đối tác thương mại chính của họ trong mùa giải kế tiếp. Chelsea là đội đã vung tiền không tiếc tay trong tháng 1 vừa qua với hơn 300 triệu rải như lá cho những bổ sung nhân sự. Thế nhưng có một sự thật là trong mùa giải tới đây, họ có thể ra sân với một chiếc áo đấu trống trơn nhà tài trợ trước ngực và trên tay áo. Đối tác Three hiện đang xuất hiện trên áo đấu của The Blues sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối mùa giải này. Đội chủ sân Stamford Bridge hiện đang tìm kiếm một nhà tài trợ áo đấu mới có thể đem về cho họ số tiền ít nhất là ngang bằng hoặc hơn số tiền 50 triệu bảng/mùa. Ấy là còn chưa kể tới logo phụ xuất hiện ở trên cánh tay cũng có thể đem về cho đội bóng này từ 10 đến 15 triệu bảng.
Chelsea đang tìm kiếm đối tác tài trợ áo đấu mới |
Một ông lớn khác của bóng đá Anh là Man United cũng đang trong quá trình tìm kiếm một nhà tài trợ áo đấu mới khi mà TeamView đang có những động thái rút lui sớm. Giao kèo hiện thời giữa MU vs TeamView kéo dài tới tận năm 2026 với thỏa thuận trị giá 235 triệu bảng, tương đương 47 triệu bảng/năm. Quỷ đỏ hoàn toàn có thể mua lại thỏa thuận này và bán nó cho một đối tác khác trong trường hợp họ nhận được một lời đề nghị hấp dẫn hơn.
Man City dù đang có mối thương thảo tốt đẹp với Etihad. Thế nhưng đội bóng này cũng sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán nếu như có một đối tác lớn xuất hiện và trao cho họ những lời đề nghi béo bở hơn.
Newcastle United, đội bóng đang cho thấy những tham vọng vươn tầm ông lớn khi sẵn sàng chi tiền tấn để chiêu dụ tân binh. Họ kỳ vọng một kết quả khả thi mùa này có thể giúp họ thay nhà tài trợ trên áo đấu hiện thời. Ông chủ của Newcastle thì không thiếu tiền, thế nhưng họ muốn vận hành đội bóng một cách chủ động để tạo ra doanh thu lành mạnh. Điều này sẽ đảm bảo cho việc sắm sửa cầu thủ theo ý mà không lo vướng phải luật công bằng tài chính như người “đồng hương” Man City.
Những cái tên ít nổi hơn ở Premier League như Brentford, Fulham và Wolverhampton Wanderers cũng sẽ hết hạn hợp đồng tài trợ áo thi đấu vào cuối mùa giải này. Trong khi đó, Nottingham thậm chí chưa tìm được đối tác nào ưng ý. Mùa này, Nottingham đang in logo UNHCR, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc trên ngực áo miễn phí.
Theo những thông tin được báo chí Anh tiết lộ, các CLB trụ lại ở Premier League sẽ nhận số tiền tối thiểu là 106 triệu bảng/mùa. Đó có thể là con số khổng lồ với những đội bóng nhỏ không nhiều tham vọng. Thế nhưng với các ông lớn thì con số này chẳng thấm tháp vào đâu. Vậy nên việc họ chú trọng mạnh mẽ vào các hoạt động kinh doanh và tìm kiếm các thỏa thuận thương mại là cực kỳ cần thiết. Nên nhớ Luật công bằng tài chính vẫn đang treo lơ lửng trên đầu của mọi đội bóng và nó có thể sập xuống bất cứ khi nào, giống như cái cách mà Man City vừa hứng trọn vừa qua vậy.
Deloitte’s Money League, một báo cáo thường niên được công bố vào tuần trước, là một lời nhắc nhở kịp thời rằng thu nhập từ thương mại tạo ra ảnh hưởng lớn thế nào với các CLB.
Tại Premier League hiện tại đang tồn tại một sự thật rằng, nhiều CLB không nằm trong nhóm Big Six sẵn sàng ngồi xuống để thương thuyết cùng với các đối tác là nhà cái, đơn vị có thể trả cho họ số tiền nhiều hơn rất nhiều các đối tác thông thường hoặc ở ngành hàng khác.
Mùa này, Ngoại hạng Anh đang có tới 8 đội bóng ra sân thi đấu với nhà tài trợ trước ngực là các trang web cá cược. Tất nhiên các hoạt động cá cược tại Anh thì hợp pháp. Và việc các nhà vận động kêu gào chấm dứt nó chỉ là những hành vi “đều đặn hàng tuần”.
Khai thác thương mại là điều mà các đội bóng Ngoại hạng Anh rất quan tâm |
Hãy cứ nhìn vào các ông lớn của bóng đá Anh đang nhăm nhe và nhìn vào những thỏa thuận của nhau để tìm kiếm một giao kèo phù hợp nhất. Các đội bóng lớn thì thường có xu hướng ký hợp đồng dài hạn, với số tiền tăng dần theo từng năm và cộng thêm tiền thưởng thành tích. Trong khi đó, các CLB nhỏ sẽ ký hợp đồng ngắn hạn, khoảng 2 đến 3 năm để chờ đợi cơ hội bứt phá nếu đột nhiên có một mùa giải thành công ngoài mong đợi.
Chính những sự cạnh tranh kiểu này đã góp phần thúc đẩy và biến Ngoại hạng Anh trở thành một trong những giải đấu hấp dẫn và màu mỡ nhất trên thế giới. Hàng trăm thương hiệu lớn đang xếp hàng để được xuất hiện tại giải đấu này. Đây có lẽ là điều mà rất nhiều nền bóng đá khác phải “cắp sách” sang để học hỏi thay vì “ôm” nguyên chiếc bánh và gián tiếp kéo tất cả đi lùi.