“Cuộc chiến” đầm ngao và trang nhật ký phóng viên
Tự ý cắm vây, dựng chòi để nuôi ngao
Huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình được nhiều người biết đến với biển vô cực đẹp tới mê hồn – một hiện tượng thu hút lượng lớn giới trẻ tới khám phá và check in.
Thế nhưng, ít người biết rằng, trong ký ức của nhiều người dân huyện Thái Thuỵ, khu vực bãi triều thuộc các xã Thái Thượng, Thuỵ Xuân, Thuỵ Trường, Thái Đô nơi có biển vô cực này từng là điểm nóng khi nhiều hộ dân tự ý cắm vây, dựng chòi, lấn chiếm để nuôi ngao, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Anh T.N.T, phóng viên một tờ báo Trung ương thường trú tại tỉnh Thái Bình những năm 2015, 2016 liên tục nhận được phản ánh, đơn của người dân xã Thuỵ Trường, về việc bãi triều các xã nói trên bị các đối tượng lấn chiếm trái phép, khiến bà con không còn bãi triều để khai thác, đánh bắt các nguồn lợi thủy hải sản trong tự nhiên, cuộc sống bị đảo lộn, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Khu vực bãi triều huyện Thái Thuỵ từng là điểm nóng khi nhiều hộ dân tự ý cắm vây, dựng chòi, lấn chiếm để nuôi ngao, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. |
Cầm lá đơn trên tay và tiếp xúc, thấy được hoàn cảnh các ngư dân, thấy những chiếc tàu của ngư dân phải đắp chiếu nhiều ngày, mục ruỗng không thể ra khơi, tận thấy được sự táo tợn của các đối tượng ngang nhiên lấn chiếm bãi triều, chặn kế sinh nhai của ngư dân, anh T.N.T vô cùng trăn trở trước một sự thật khó có thể chấp nhận.
“Sau khi báo cáo và được tòa soạn cho phép, đầu tháng 5/2016, tôi đã cùng hàng chục ngư dân dùng hai thuyền nan mũi bằng ra địa điểm bãi triều bị các đối tượng chiếm trái phép – nơi từng là ngư trường khai thác, đánh bắt thủy hải sản bao đời của bà con nhân dân xã Thụy Trường và hai xã lân cận là Thụy Hải và Thụy Xuân để ghi nhận thực tế”, anh T.N.T nhớ lại.
Ghi nhận của phóng viên T.N.T vào thời điểm đó cũng như tài liệu lãnh đạo địa phương cung cấp cho thấy, ở vùng biển nói trên có hai diện tích được cắm cọc, dựng chòi để nuôi thả ngao vạng.
Vùng quy hoạch có phép của UBND huyện Thái Thụy cấp cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản có diện tích khoảng hơn 200ha. Ngay cạnh vùng quy hoạch có phép là vùng bị các đối tượng tự ý lấn chiếm trái phép có diện tích khoảng 270ha hướng ra biển Đông, trong đó nhóm đối tượng tự ý cắm vây, dựng chòi, cắm cọc khai thác ngao, don tự nhiên lấn chiếm trái phép diện tích khoảng 130ha, còn lại là diện tích các đối tượng nuôi thả tự phát không phép.
Tại xã Thái Thượng có hơn 500ha diện tích bãi triều ven biển. Báo cáo thời điểm đó cho biết, số diện tích bị lấn chiếm trái phép là 452ha cả trong vùng quy hoạch và ngoài quy hoạch. Trong đó, hàng chục chòi của hơn 30 chủ vây lấn chiếm khoảng 230ha để nuôi ngao, còn 222ha không có chòi, chỉ cắm cọc vây để khai thác don.
“Năm 2011, sau khi có quyết định của tỉnh về quy hoạch bãi triều xã Thái Thượng với 192 ha để nuôi ngao, nhiều hộ đã ra lấn chiếm đến hàng chục héc-ta. Tháng 3/2012, các hộ dân ồ ạt ra bãi triều cắm vây, dựng lều để nuôi ngao mặc dù địa phương đã huy động lực lượng công an, quân sự và bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn để ngăn chặn”, báo cáo cho biết.
Theo phóng viên T.N.T, lãnh đạo các xã thời điểm đó đều báo cáo lên huyện, UBND huyện có báo cáo lên UBND tỉnh để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, các hộ lấn chiếm vẫy chây ì, ngoan cố không chịu tự giác giải toả phần diện tích tự ý chiếm.
Dừng cho thuê đất bãi triều, thu hồi đất bãi vi phạm
Một buổi chiều giữa tháng 9/2023, đứng trước bãi triều biển Thái Thuỵ, đứng trước biển vô cực, hình ảnh ngư dân bị những kẻ lấn chiếm bãi triều xua đuổi năm nào lại tái hiện trong đầu chúng tôi như một thước phim quay chậm.
Trường hợp ông Lê Bá Viên hay trường hợp ông Vũ Hồng Bàng (cùng ở xã Thụy Xuân, huyện Thái Thuỵ) là những ví dụ. “Khi tàu của chúng tôi đi vào khu vực này sẽ bị các hộ dân xua đuổi, thậm chí dùng cả thuyền ra ngăn cản. Thuyền thì nhỏ, không đánh bắt được xa bờ. Giờ lại bị án ngữ, chặn đường thế này chúng tôi biết lấy gì để sống?!”, lời của ông Viện năm nào văng vẳng bên tai.
Trong “cuộc chiến” đầm ngao năm ấy, đã có những cuộc xô xát, đã có những người vô hình chung vi phạm pháp luật mà vướng vòng lao lý. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các đơn vị có chức năng có thẩm quyền lại tỏ ra bị động, chậm chạp trong xử lý sai phạm, để “ngao tặc” lộng hành trong thời gian dài nhưng chưa thể xử lý dứt điểm, dẫn tới mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trước thực trạng trên, ngày 25/4/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ký Công điện hoả tốc số 01-CĐ/UBND, về việc quản lý bãi triều ven biển tỉnh Thái Bình. Công điện yêu cầu các huyện Tiền Hải, Thái Thụy chỉ đạo dừng việc cho thuê đất bãi triều ngoài đê quốc gia, tổ chức việc thu hồi đất bãi do vi phạm.
Sau đó, UBND huyện Thái Thuỵ đã tổ chức cuộc họp khẩn, đi tới kết luận: Đảng ủy, UBND các xã ven biển Thụy Trường, Thái Thượng, Thụy Xuân, Thụy Hải, Thái Độ chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, sử dụng đất bãi triều ven biển và xử lý các vi phạm phát sinh trên địa bàn.
Đối với diện tích đất bãi triều người dân tự cắm vây, dựng chòi để khai thác ngao tự nhiên, tiến hành vận động, thuyết phục các hộ tự tháo dỡ. Trường hợp các hộ cố tình không chấp hành, UBND xã chủ trì, phối hợp với lực lượng biên phòng và các đơn vị liên quan thực hiện thu dỡ, xử lý theo quy định của pháp luật, thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2016.
Tuy nhiên, tới tháng 7/2016, những vi phạm này vẫn chưa thuyên giảm. Khoảng thời gian này, phóng viên T.N.T liên tục nhận được điện thoại cầu cứu của người dân. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại khẳng định với báo chí, đã tiến hành nhổ cọc, giải toả toàn bộ, trả lại bãi triều cho ngư dân đánh bắt.
“Khi chúng tôi xuống địa phương làm việc, ghi nhận vẫn còn thực trạng trên, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều lý do để giải thích cho việc này. Có cán bộ nói trước đó đã nhổ xong cọc vây, nhưng sau người dân lại đem ra cắm lại. Có người nêu những khó khăn do địa điểm trái phép, lấn chiếm ngoài biển xa, lực lượng mỏng nên khó xử lý đối với những trường hợp chây ỳ, chống đối”, phóng viên T.N.T nhớ lại.
Trao đổi phóng viên Báo Công Thương, đại diện UBND huyện Thái Thụy cho biết: “Trước đây, cơ bản các xã đều có những đợt tháo dỡ, vừa là người dân tự giác tháo dỡ và chính quyền tổ chức cưỡng chế. Trong đó, xã Thái Thượng cũng đã có đợt cưỡng chế. Việc này rất phức tạp và phải có nhiều ngành đơn vị phối hợp giải quyết”.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình, thời gian sau đó, nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân đã có những chuyển biến tích cực, các bãi ngao trái phép lần lượt được giải toả, tình hình mất an ninh trật tự tại địa phương dần ổn định, đi vào nề nếp.
* Lập lại trật tự bãi triều huyện Thái Thuỵ, Thái Bình (bài 2): Xoá sổ nhóm giang hồ Cường “quắt”, bắt ông Lưu Bình Nhưỡng