33 CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có tổng diện tích khoảng 1.416 ha, đã thu hút được trên 300 dự án đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đạt trên 62%; trong đó 15/33 CCN đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, tuy nhiên, hiện chỉ có 5 CCN có chủ đầu tư hạ tầng, dẫn đến công tác quy hoạch phát triển, thành lập và quản lý các CCN hầu hết chưa theo đúng quy định tại Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CNN và Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN.
Lương Điền là 1 trong 5 CCN tại Hải Dương có chủ đầu tư hạ tầng |
Ông Đỗ Tiến Dũng - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương - cho biết: “Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN chưa đáp ứng các yêu cầu theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể: 32/33 CCN trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, do đó, các doanh nghiệp trong CCN phải tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Qua kết quả quan trắc và phân tích các thông số môi trường chất lượng nước mặt tại các mương thoát nước thì hầu hết đã có dấu hiệu bị ô nhiễm về chất lượng nguồn nước mặt”.
Để giải quyết thực trạng trên, hiện UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở Công Thương là đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý CCN trong đó phân rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Cùng với đó là các giải pháp nhằm giải quyết tồn tại đối với các CCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng như: Chỉ đạo UBND cấp huyện giao đơn vị trực thuộc có chức năng phù hợp đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CNN theo quy định; quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng và các cơ sở đầu tư thứ cấp hoạt động trong CCN để làm cơ sở thực hiện, từng bước giải quyết tình trạng trên.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. “Kết quả, trong năm 2020 - 2021, chúng tôi đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 30 cơ sở đầu tư thứ cấp trong các CCN và đã phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm như: Báo cáo không đúng thực tế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại năm; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải...” - ông Đỗ Tiến Dũng chia sẻ.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường năng lực thiết bị quan trắc, giám sát môi trường nước, không khí; duy trì và mở rộng thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường định kỳ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu ô nhiễm, xác định nguyên nhân và xử lý, hoặc kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp để kiểm soát nguồn phát thải tại các CCN cũng như phát hiện sớm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ông ĐỖ TIẾN DŨNG - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương: Mặc dù cơ quan chuyên môn đã có nhiều biện pháp kiểm soát nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều CCN không giảm. |