Cục Quản lý thị trường Lai Châu: Góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Cục Quản lý thị trườngLai Châu đã chủ động xây dựng các kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đấu tranh có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; ngăn chặn sản xuất, kinh doanh hàng giả, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Với sự nỗ lực ra quân cùng nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, năm 2021, Cục Quản lý thị trường Lai Châu đã đạt được những kết quả tích cực trong kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường |
Trong đó, kiểm tra 812 vụ, giảm 22% (giảm 226 vụ) so với cùng kỳ năm 2020 (1.040 vụ). Tổng xử lý 319 vụ (323 hành vi vi phạm), giảm 38% (giảm 196 vụ) so với cùng kỳ năm 2020 (519 vụ).
Các hành vi vi phạm kinh doanh hàng cấm (1 vụ), giảm 87% so với cùng kỳ năm 2020, hành vi kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu. Các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng (18 vụ), giảm 59% so cùng kỳ năm 2020; vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa giả nhãn hiệu và giả mạo nhãn hàng hóa. Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng (103 vụ), giảm 49% (giảm 98 vụ) cùng kỳ năm 2020; vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá bán hàng hóa theo quy định...
Bước sang năm 2022, mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của đại dịch, song bằng các giải pháp mạnh mẽ, trong tháng 4, Cục Quản lý thị trường Lai Châu đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số vụ kiểm tra là 208 vụ.
Tổng số vụ xử lý là 80 vụ (81 hành vi vi phạm) thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của quản lý thị trường. Số tiền thu phạt nộp ngân sách trung ương 320,450 triệu đồng.
Đánh giá về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trong thời gian qua, Cục Quản lý thị trường Lai Châu cho biết, các đối tượng không có nhiều thay đổi so với trước nhưng ngày càng tinh vi hơn, chủ yếu hoạt động theo phương thức nhỏ, lẻ như cất giấu hàng hóa vi phạm trong bao bì hàng hóa hợp pháp khác; sử dụng nhiều phương tiện để vận chuyển hàng hóa vi phạm; sử dụng hóa đơn quay vòng; luôn thay đổi địa bàn, tuyến đường, phương tiện vận chuyển, thời gian hoạt động.
Hàng hóa vi phạm chủ yếu tập trung nhiều vào những nhóm mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, nắm được tâm lý của người dân ưa mua hàng hóa giá rẻ nên các đối tượng tìm cách đưa hàng sắp hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng chưa qua kiểm dịch... vào tiêu thụ.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, lành mạnh hóa hoạt động quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Lai Châu đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ.
Theo đó, Cục sẽ bám sát chỉ đạo của các cấp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tình hình thị trường để chỉ đạo các đội quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, mặt hàng, không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn, lĩnh vực quản lý, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Các đội quản lý thị trường theo địa bàn được phân công phụ trách, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc lá, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, trang thiết bị, vật tư y tế, phân bón, vật tư nông nghiệp, rượu… |