Cú huých mạnh cho nông nghiệp
Ảnh minh họa |
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, nguyên nhân lớn nhất tạo những “nút thắt” chính là tư duy cũ khiến chính sách, luật ban hành nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống, khó thu hút doanh nghiệp nhập cuộc nông nghiệp, khó khuyến khích người nông dân vượt lên chính mình.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Điểm nghẽn lớn nhất là đất đai, phải tích tụ ruộng đất lớn mới thúc đẩy phát triển nông nghiệp mạnh mẽ.
Minh chứng rõ nhất là giới hạn “hạn điền” quá nhỏ. Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 - Hạn mức giao đất nông nghiệp - quy định hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ từ 2-3ha cho mỗi loại đất.
Vì sao luật lại giới hạn những con số nhỏ bé như vậy? Phải chăng vì tư duy lo sợ tích tụ ruộng đất quá lớn khiến nông dân mất việc hoặc cơ quan quản lý mất kiểm soát?
Thực tế đã chứng minh đó là sự lo sợ không đáng có. Vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp cho hay, qua kiểm tra thực tế, hàng chục mô hình tích tụ đất đai lớn đều hiệu quả. Nông dân và doanh nghiệp không bao giờ tích tụ đất vượt ngưỡng và người nông dân được thuê làm việc sẽ trở thành công nhân nông nghiệp, thu nhập cao, ổn định. Thực tiễn cho thấy, ở đâu nông dân tích tụ vài ba chục ha đất trở lên đều có thể sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Ví dụ, ở Hưng Yên có người sử dụng 120ha đất, áp dụng công nghệ cao, sản xuất lúa, xuất khẩu gạo sang Nhật...
Chung quan điểm, nhưng dưới góc độ quản lý đất đai - tài nguyên quý giá của đất nước - vị “tư lệnh” ngành tài nguyên và môi trường đề xuất: Thành lập ngân hàng đất đai, để những người dân chưa có nhu cầu sử dụng đất có thể gửi vào đây, trong khi nông dân, doanh nghiệp muốn làm ăn lớn sẽ được thuê đất sử dụng lâu dài, ổn định.
Dĩ nhiên, từ đề xuất tới thực tế cần có thời gian. Song dù với phương thức nào, tháo bỏ hạn điền, tích tụ đất đai có thể coi là một trong những cú huých mạnh cho công cuộc tái cơ cầu nền nông nghiệp.