Công ty luyện đồng Lào Cai: Thành công nhờ quyết sách đúng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tham quan nhà máy
- Nhắc đến Lào Cai, người ta nhớ đến vùng đất nơi địa đầu tổ quốc, nổi tiếng với những câu hát ngọt đến mềm môi “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Tuy nhiên, có đặt chân lên vùng đất ấy mới thấy nơi địa đầu của tổ quốc bốn bề là đá heo hút và hoang sơ đến nhường nào. Ấy vậy mà chỉ vài năm trở lại đây, bằng những quyết sách đúng đắn, những giải pháp đầu tư mạnh mẽ, từ Nhà máy luyện đồng Lào Cai, nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã ra đời, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế toàn tỉnh cũng như cả nước.
Nhà máy luyện đồng của Công ty Luyện đồng Lào Cai trực thuộc Tổng công ty Khoáng sản (Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam) nằm tại khu công nghiệp Tằng Loỏng (thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) có công suất 10.000 tấn đồng katot/năm và các sản phẩm khác gồm: 340 kg vàng/năm, 150 kg bạc/năm, 40.000 tấn axít sunfuric/năm… Sản phẩm đồng katot của Nhà máy luyện đồng Lào Cai được luyện từ tinh quặng đồng Sin Quyền do Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền khai thác và tinh tuyển từ quặng đồng nguyên khai của mỏ đồng Sin Quyền (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Mỏ đồng này có trữ lượng hàng chục triệu tấn, được ngành địa chất Việt Nam điều tra, phát hiện cách đây gần 50 năm và cũng là mỏ đồng lớn duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, mỗi năm, Công ty Luyện đồng Lào Cai đã sản xuất được một lượng đồng katot lớn, giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước nhờ giảm nhập khẩu sản phẩm cùng loại.
Thôi luyện đồng thô
Băng tải cấp quặng đầu vào
Ông Trịnh Văn Tuệ - Giám đốc Công ty Luyện đồng Lào Cai: Nếu thu nhập ổn định, điều kiện sống bảo đảm, các phúc lợi xã hội được thực hiện tốt thì không có lý do gì để người lao động rời bỏ công ty. Đây chính là bí quyết để Công ty Luyện đồng Lào Cai giữ chân người lao động. |
Tuy nhiên, có được những thành công như ngày hôm nay hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng. Ông Trịnh Văn Tuệ- Giám đốc Công ty Luyện đồng Lào Cai - chia sẻ, dù nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 8/2008 nhưng do vận hành, sử dụng công nghệ rất mới nên thời gian đầu “chạy rốt đa” là chính. Giai đoạn 2009- 2010, nhà máy chỉ sản xuất trên dưới 60% công suất thiết kế bởi công nghệ luyện đồng là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta. Đây là công nghệ hỏa luyện bằng lò Thủy Khẩu Sơn, tiên tiến nhưng rất phức tạp, đòi hỏi tính đồng bộ và sự chính xác cao. Để sản phẩm đạt tới độ tinh khiết gần như tuyệt đối (99,95% đồng) rất khó khăn, nên sự cố và lúng túng ban đầu rất khó tránh khỏi. Mặt khác, cán bộ, công nhân phần lớn chưa có kinh nghiệm thực tế nên công tác vận hành chưa thuần thục.
Tuy nhiên, sau một thời gian nắm bắt và từng bước làm chủ công nghệ, từ năm 2011 đến nay, Nhà máy luyện đồng Lào Cai đã đi vào sản xuất theo đúng công suất thiết kế. Năm 2013, sản phẩm chủ lực của nhà máy là đồng tấm katot đã đạt trên 9.700 tấn, vượt kế hoạch đề ra. Qua kết quả kiểm nghiệm kỹ thuật và phân tích theo tiêu chuẩn VILAS 182 của Viện Cơ khí năng lượng mỏ Việt Nam, hiện các sản phẩm đồng katot của nhà máy đã đạt tiêu chuẩn quốc tế với hàm lượng 99,97% đồng (cao hơn so với chỉ tiêu thiết kế là 99,95% đồng). Các sản phẩm khác như bạc, vàng, axit… cũng đạt sản lượng cao.
Không dừng lại ở đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được công ty chú trọng nhằm tiết kiệm vật tư tiêu hao, giảm giá thành sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường. Công ty không ngừng động viên, khuyến khích người lao động phát huy tính sáng tạo trong lao động sản xuất, đề xuất các ý tưởng, giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trong năm 2013, cán bộ, công nhân viên công ty đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra các sáng kiến cải tiến, giải pháp hợp lý hóa sản xuất và được Hội đồng sáng kiến cải tiến công ty xét duyệt và công nhận 40/46 giải pháp là sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giải pháp hợp lý hóa sản xuất áp dụng vào thực tiễn sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất, cải thiện các chỉ tiêu công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn lao động. Tổng giá trị làm lợi của các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất tới hơn 10 tỷ đồng.
Hoạt động một ngành nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên song song với việc phát triển sản xuất - kinh doanh, Công ty Luyện đồng Lào Cai cũng rất chú trọng việc bảo đảm đời sống để công nhân yên tâm công tác, gắn bó với công ty. Hiện nay, lương trung bình của công nhân là 7,8 triệu đồng/người/tháng.
Từ nơi ba bề bốn bên là núi đá khô cằn ấy, như một câu chuyện cổ tích, bằng bàn tay và khối óc người thợ luyện đồng, những sản phẩm chất lượng cao đã ra đời, mang lại hiệu quả kinh tế cho Lào Cai nói riêng, đất nước nói chung.
P.V