Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 24/4: Liệu có nên giảm thuế xăng dầu?
Lĩnh vực xuất nhập khẩu tiếp tục được báo chí quan tâm. Báo Thương hiệu và công luận có bài viết “Giao hàng trễ doanh nghiệp xuất khẩu "mất điểm", nhiều nguy cơ rủi ro”.
Bài báo phản ánh tình trạng trong khi giá cước vận tải nội địa đã chững lại và ổn định thì giá cước vận tải biển quốc tế vẫn là vấn đề đau đầu với các doanh nghiệp.
Cụ thể, tình trạng thiếu container rỗng vẫn diễn ra ở tất cả các thị trường. Do đó, các đơn vị xuất khẩu thường xuyên phải tranh nhau để đặt tàu, đặt container. Không chỉ giá tăng cao, mà thời gian vận chuyển lâu hơn, đặt được tàu rồi vẫn thường xuyên bị dời lịch. Điều này không chỉ khiến sản phẩm bị hư hại do để lâu ngày, mà còn khiến doanh nghiệp “mất điểm” với khách hàng vì không giao hàng đúng hẹn.
Trong báo cáo mới nhất của IMF, tổ chức này đã cảnh báo rủi ro lạm phát, tài chính có thể gia tăng đối với kinh tế Việt Nam. Đây là nội dung bài viết “IMF: Việt Nam cần thận trọng trước áp lực lạm phát gia tăng” của báo VnExpress.
Theo đó, đại diện của IMF cho rằng, để giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát, việc xây dựng chính sách nên nhanh chóng, quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách nên được điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi. Chính sách tài khoá nên đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt trong trường hợp các rủi ro làm suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực, vì dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ rất hạn chế khi các rủi ro lạm phát đang gia tăng.
Liên quan đến giá xăng dầu, VTC News có bài “Giảm thuế nhập khẩu xăng nhưng giá xăng vẫn sẽ không giảm”. Theo đó, bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng động cơ, xăng không pha chì nhưng cũng đánh giá việc này không giúp giảm giá xăng trong nước.
Bộ này giải thích, lượng nhập khẩu năm 2021 chủ yếu từ Hàn Quốc và ASEAN (áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong các Hiệp định thương mại tự do FTA). Xăng nhập khẩu theo thuế suất nhập khẩu ưu đãi chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ của cả nước. Hiện nay, mặt hàng xăng động cơ, không pha chì dùng để sản xuất xăng RON92, RON95 có thuế suất MFN là 20%, thuế suất FTA tại các Hiệp định VKFTA, ATIGA, CPTPP, VNEAEU là 8%, EVFTA là 20%.
“Khách hàng được giám sát quy trình giải quyết khiếu nại doanh nghiệp” là tựa đề bài báo của Vietnamplus trong lĩnh vực tiêu dùng. Thời gian qua, tuy có tới 80-85% vụ việc người tiêu dùng bị thiệt hại khi mua, bán, sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng đã đạt được thỏa thuận với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp sản phẩm nhưng hiệu lực, hiệu quả của những thương lượng này chưa cao.
Cùng với đó, nhiều trường hợp cố tình bỏ qua việc bồi thường thiệt hại, khiến thiệt thòi luôn thuộc về người tiêu dùng. Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Dự thảo luật lần này quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức xã hội, cụ thể là các hội bảo vệ người tiêu dùng hỗ trợ trong quá trình tổ chức thương lượng với doanh nghiệp.